Doanh nghiệp, tiền thưởng hồi sức Còn nhớ, cách đây không lâu, thưởng Tết còn là điều nhiều người lao động không dám mơ tới do suy giảm kinh tế đi kèm khả năng mất việc treo lơ lửng trên đầu. Tiền thưởng thấp nhất năm ngoái là ngành thương mại dịch vụ, xây dựng, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ dưới 100 lao động với mức thưởng 100.000 đồng/người. Cá biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã có trường hợp một doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin gây "sốc" với mức tiền thưởng chỉ vẻn vẹn 24.000 đồng/người, ông Đặng Quang Điều, Phó Trưởng ban Chính sách Kinh tế-xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhớ lại. Do việc thưởng Tết có nhiều khó khăn, tiền thưởng ít, nên Thông tư 160/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn miễn thuế năm 2009 đã quy định: "Tất cả các khoản thưởng cho cả năm 2009 như thưởng Tết, thưởng hiệu quả sản xuất-kinh doanh... sẽ được miễn một nửa số thuế thu nhập cá nhân, bất kể chi trả vào thời điểm nào". Nhưng sang tới năm nay, tình hình đã khả quan hơn nhiều. Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương-Tiền công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, đến thời điểm này mặc dù bộ chưa có thông tin chính thức nào, nhưng căn cứ vào hoạt động của doanh nghiệp, có thể dự đoán mức thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn năm ngoái. "Với tình hình thị trường lao động đang phục hồi, lương thưởng cũng sẽ tăng vì đây cũng chính là một việc trong chiến lược phát triển doanh nghiệp để giữ người tài. Thêm vào đó, việc nhiều, tăng ca nhiều cũng sẽ giúp người lao động có nhiều tiền thưởng hơn", bà Minh phân tích. Bất động sản có thể "hái ra tiền… thưởng" Theo ông Điều, năm nay, ngành bất động sản nhiều khả năng sẽ giữ ngôi "vua" trên "mặt trận" tiền thưởng Tết. Đây là ngành "hái ra tiền" nhất của năm 2009, đặc biệt là những tháng cuối năm. Theo sau ngành bất động sản là nhóm ngành ngân hàng, tài chính. Nhóm này cũng sẽ có mức thưởng bình quân cao do năm nay làm ăn thuận lợi. Dự kiến nhân viên ngân hàng có thể được thưởng trung bình khoảng trên 10 triệu đồng/người. Nhóm ngành sản xuất gia công như dệt may, da giày, thủy sản, mặc dù chưa hoàn toàn "đổi vận" song cũng đã không còn trong cảnh ảm đạm như năm ngoái. Chính vì thế, theo ông Điều, mức thưởng một tháng lương năm nay với các doanh nghiệp này không khó. Trong khi đó, năm ngoái, mức thưởng của các công ty may thường từ 800.000 đến một triệu đồng. Cá biệt, có doanh nghiệp may chỉ thưởng Tết 100-200.000 đồng. Ông Điều đánh giá: "Mức thưởng một tháng lương cơ bản là mức chung mà phần lớn các doanh nghiệp vẫn thực hiện hàng năm. Với tình hình trượt giá như hiện nay, thưởng một tháng lương là thấp. Tuy nhiên, với lao động một số ngành nghề thì mức đó cũng đủ chi tiêu Tết". Thưởng Tết của các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất, theo ông Điều sẽ tăng nhưng không nhiều, khoảng 15-20% tùy đơn vị. Năm ngoái, doanh nghiệp trong nước tại khu chế xuất, khu công nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 700.000 đồng, mức thưởng cao nhất là 16.200.000 đồng/người. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại khu chế xuất, khu công nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 900.000 đồng, mức thưởng cao nhất là 120 triệu đồng. Theo yêu cầu được gửi bằng công văn từ 23/11, các giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương sẽ phải gửi báo cáo mức thấp nhất, bình quân và cao nhất của tiền lương 2009 và thưởng Tết 2010 của tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trước 20/12. Việc nắm tình hình lương, thưởng Tết là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nhằm phục vụ công tác xây dựng cơ chế quản lý tiền lương trong doanh nghiệp. Mặc dù vậy, trên thực tế rất ít các doanh nghiệp báo cáo. "Tại thời điểm này, Hà Nội chưa nhận được bất cứ một báo cáo lương thưởng nào của doanh nghiệp trên địa bàn gửi về", bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết.
Theo Báo Tin Tức/Vietnam+