Ngay sau Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2013-2018, Ban Thường vụ Hội Người mù tỉnh đã họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí ủy viên trực tiếp theo dõi và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ hoạt động tới các cấp Hội. Tham gia tốt các chương trình của Nhà nước và có nhiều ý kiến đóng góp vào cơ chế, chính sách liên quan đến người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng.
Tích cực khảo sát số người mù trên địa bàn, tuyên truyền, vận động để thành lập thêm chi hội mới, kết nạp thêm hội viên vào sinh hoạt Hội. Kết quả trong nhiệm kỳ, các cấp Hội người mù đã thành lập thêm 2 chi hội, kết nạp được 141 hội viên mới, nâng tổng số hội viên trong tỉnh lên 1.669 người, sinh hoạt ở 130 chi hội/145 xã, phường, thị trấn. Hiện có 28 chi hội được cấp ủy, chính quyền hỗ trợ kinh phí tổ chức sinh hoạt định kỳ, 63 chi hội được hỗ trợ xây dựng quỹ chăm sóc hội viên. Trong nhiệm kỳ, 100% ủy viên Ban Chấp hành các cấp Hội được tham gia khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ tại Trung tâm đào tạo phục hồi chức năng của Trung ương Hội, qua đó đã vận dụng hiệu quả vào việc xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh.
Thực hiện chương trình việc làm và đời sống là hoạt động trọng tâm của các cấp Hội, liên quan đến lợi ích thiết thực của người mù, Hội Người mù tỉnh đã xây dựng các chương trình hành động về việc làm, xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2013-2018, vay vốn tạo việc làm, dạy nghề, tổ chức các cơ sở sản xuất tập trung, làm mới và sửa chữa nhà ở cho hội viên, thực hiện các chính sách an sinh xã hội… Trong đó, định hướng một số nghề trọng tâm, mũi nhọn, như xoa bóp và tẩm quất tại khu vực đô thị; sản xuất thủ công, làm tăm tre, chổi là nghề truyền thống; chăn nuôi, trồng trọt là nghề chủ đạo ở vùng nông thôn. Đến nay, các cấp Hội vẫn duy trì tốt 32 cơ sở, tổ, nhóm tập trung và bán tập trung, trong đó có 24 cơ sở, tổ, nhóm làm nghề xoa bóp bấm huyệt và 8 cơ sở sản xuất nghề thủ công, tạo việc làm thường xuyên cho gần 400 người mù. Riêng nghề xoa bóp bấm huyệt, doanh thu trong nhiệm kỳ đạt gần 10 tỷ đồng, mức lương bình quân của lao động làm nghề này đạt trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng, đối với nghề sản xuất thủ công cho thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng.
Chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm được các cấp Hội người mù triển khai thực hiện hiệu quả, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm. 5 năm qua, Tỉnh hội đã triển khai 55 lượt dự án vốn mới bổ sung và vốn thu hồi cho vay lại, với tổng số tiền là 1.749 triệu đồng theo kênh của Hội Người mù Việt Nam; 880 triệu đồng theo kênh của địa phương, cho hơn 700 lượt người vay. Các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương trong việc cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả đồng vốn vay. Nhờ được vay vốn, nhiều gia đình hội viên đã đầu tư nuôi bò, lợn, gà, chim bồ câu hoặc đầu tư buôn bán nhỏ, mở cơ sở xoa bóp, đời sống từng bước được cải thiện và nâng lên. Nhiều gia đình xóa được đói, giảm được nghèo, xây được nhà kiên cố, thu nhập ổn định và tạo thêm việc làm cho những người cùng hoàn cảnh. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Hội còn 8,02% theo tiêu chí mới.
Công tác dạy nghề, truyền nghề được quan tâm nhằm giúp hội viên có việc làm, thu nhập đảm bảo cuộc sống. Trong nhiệm kỳ, Trung tâm dạy chữ Braille và dạy nghề cho người mù đã mở 10 lớp dạy nghề, truyền nghề phù hợp, gắn với nghề truyền thống của địa phương, qua đó, hội viên được trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng để tham gia sản xuất, kinh doanh. Đã có trên 100 lượt người tham gia các lớp học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học văn phòng được cấp chứng chỉ nghề và hầu hết có việc làm ổn định. Riêng nghề xoa bóp bấm huyệt, 100% học viên học nghề đều được bố trí việc làm tại các cơ sở tập trung, bán tập trung và có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.
Về việc chăm sóc đời sống hội viên, hàng năm các cấp Hội khảo sát nắm tình hình, đề xuất với các ngành chức năng, nhà từ thiện quan tâm giúp đỡ, đặc biệt là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. 5 năm qua, nhân dịp các ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, địa phương…, các cấp Hội đã vận động sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương hỗ trợ, tặng quà cho 6.770 lượt hội viên, số tiền và quà trị giá hơn 2 tỷ đồng. 100% hội viên trong diện được hưởng trợ cấp thường xuyên và được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Có 19 hội viên được Ủy ban MTTQ tỉnh và chính quyền địa phương hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà đại đoàn kết, với số tiền 925 triệu đồng; 85% gia đình hội viên được thụ hưởng chương trình nước sạch nông thôn; 100% hội viên đã có phương tiện nghe nhìn để nắm bắt thông tin, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các cấp Hội người mù đã có nhiều chương trình, hoạt động phù hợp, bổ ích, trong đó khuyến khích hội viên trẻ, hội viên là nữ tham gia các hoạt động văn hóa, TDTT... Nhiều cán bộ, hội viên đã tham gia các cuộc thi và đạt giải cao, như: Cuộc thi ONKYO (Chữ Braille trong cuộc đời tôi) do Hiệp hội người mù Châu á Thái Bình Dương tổ chức, 1 hội viên của Hội Người mù huyện Yên Khánh đã đạt giải nhì; Liên hoan Tin học dành cho người mù do Trung ương Hội tổ chức, có 1 thí sinh đạt giải nhì toàn quốc về phần mềm sáng tạo; tham gia Hội thi tay nghề xoa bóp bấm huyệt toàn quốc lần thứ nhất, có 2 kỹ thuật viên đạt 1 giải nhì và 1 giải ba; tại "Liên hoan tiếng hát từ trái tim lần V" do Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức, có 2 thí sinh tham gia, đạt 1 huy chương bạc và 1 giải khuyến khích… Toàn Hội hiện có 9 đội văn nghệ và 8 đội bóng lăn thường xuyên luyện tập, biểu diễn, góp phần nâng cao sức khỏe, tinh thần, niềm tin cho cán bộ, hội viên.
Với những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Tỉnh hội và các cấp Hội người mù trong tỉnh được Trung ương Hội, UBND tỉnh tặng 48 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng và phát triển Hội. Trung ương Hội Người mù Việt Nam trao tặng 40 Kỷ niệm chương "Vì hạnh phúc người mù" cho đại diện lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và một số cán bộ Hội trong tỉnh, do có nhiều đóng góp, giúp đỡ Hội hoạt động.
Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018-2023, phương châm hoạt động của Hội Người mù tỉnh là tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động gắn các chương trình của Hội với chương trình kế hoạch của Nhà nước và địa phương, nhằm mục tiêu hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên. Làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Động viên cán bộ, hội viên nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và hoạt động văn hóa, xã hội tại địa phương. Kêu gọi sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, MTTQ và cộng đồng xã hội với truyền thống nhân ái, với tinh thần "Vì hạnh phúc người mù" và trách nhiệm của mình, tăng cường phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ người mù và tổ chức Hội Người mù, để các cấp Hội phát huy tốt vai trò tập hợp, chăm sóc hội viên..., phấn đấu để tổ chức Hội là nơi chứa đựng ánh sáng của người mù.
Mai Linh Quý
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Ninh Bình