Mọi năm, sau dịp Tết Nguyên đán, hầu hết người nội trợ đều "giật mình" trước hàng loạt thực phẩm, hàng hóa "dựa hơi" Tết để tăng giá, khiến mỗi bữa ăn nói riêng, việc chi tiêu, sinh hoạt nói chung trong mỗi gia đình, nhất là gia đình công chức, viên chức, người lao động, người có thu nhập thấp thêm "lao đao".
Xác định trước tinh thần sẽ phải thắt chặt chi tiêu Tết vì tình hình kinh tế khó khăn nên năm nay gia đình chị Đỗ Thị Lan (phường Nam Bình- thành phố Ninh Bình) chỉ mua sắm một số thứ thực phẩm cần thiết cho các bữa ăn ngày Tết. Chị Lan cho biết: Những năm trước mua sắm nhiều, chất đầy đủ lạnh mà không sử dụng, khi hết Tết thực phẩm còn thừa nhiều, lãng phí, thậm chí có năm để lâu, thời tiết ấm còn phải đổ đi vì ôi thiu. Đã vậy, ra Tết đi chợ, giá cả thực phẩm tăng hàng loạt khiến mỗi ngày đi chợ là một ngày lo. Cứ phải hết tháng Giêng thì tình trạng tăng giá mới dừng. Gia đình công chức chỉ trông chờ vào đồng lương nên việc chi tiêu phải ngó trước, ngó sau… Không chỉ mỗi gia đình chị Lan lo lắng về giá cả thực phẩm sau Tết mà hầu hết người nội trợ nào cũng gặp tình trạng tương tự mỗi khi bước vào năm mới. Anh Bùi Việt Dũng (Kim Sơn) kể lại: Năm ngoái, khoảng mùng 5, mùng 6 Tết, sau khi đi thăm bạn bè, vãn cảnh chùa chiền ở thành phố Ninh Bình, gia đình tôi rẽ vào một quán phở ăn cho đơn giản, khi tính tiền, 4 bát phở giá 200.000 đồng làm cả nhà giật mình. Thắc mắc thì ông chủ quán thủng thẳng bảo: Giá ngày Tết nó thế, năm nào nhà tôi cũng bán giá đó đến hết mùng 10 mới hết Tết. Không bán giá đó thì chẳng ai tội gì phải vất vả ngày Tết lăn lộn bán hàng cả… Người bán hàng thì có lý do của họ, mà lý do nào cũng "hết sức chính đáng" khiến khách hàng chỉ biết… rút kinh nghiệm cho những năm sau. Quả thật, nhiều năm qua với tình trạng giá cả thực phẩm "leo thang" sau Tết khiến sinh hoạt, chi tiêu của nhiều gia đình bị đảo lộn. Những gia đình có điều kiện kinh tế còn đỡ, phần lớn các gia đình công chức, viên chức, người lao động thì chịu ảnh hưởng nặng nề khiến mỗi bữa ăn phải tính toán sao cho hợp lý cả về giá cả lẫn giá trị dinh dưỡng.
Đó là chuyện của những năm trước, năm nay, sau Tết giá cả thực phẩm, hàng hóa hầu như ít biến động. Hoa tươi như hoa ly trước Tết giá 50.000 đồng- 60.000 đồng/cành to đẹp thì sau Tết chỉ còn 30.000 đồng/cành, thậm chí những cành bé giá chỉ còn 10.000 đồng; Hoa lay ơn trước Tết giá 10-15.000 đồng/cành, nay còn 5.000 đồng/cành; lễ trầu cau trước tết 5.000 đồng, giờ còn 3.000 đồng; Hoa quả như: táo, lê, bưởi, cam… vẫn giữ giá như mọi ngày thường… Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm… đều giữ giá như ngày thường, giảm mạnh so với giá dịp giáp Tết như: gà lông trước Tết 110.000 đồng, nay còn 90.000 đồng/kg, móng giò 50.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với trước Tết… Phần lớn những loại vẫn giữ giá cao như trước Tết đều tập trung vào những loại mà người tiêu dùng sử dụng nhiều như: thịt bắp bò 250.000 đồng/kg, bắp bê 230.000 đồng, tăng so với ngày thường 20.000 đồng/kg, rau cần, các loại nấm tăng nhẹ… Riêng các loại rau như: su hào, cải bắp, cải ngồng, cà chua, hành lá, rau mùi… lại quá rẻ, khiến người mua không khỏi chạnh lòng nghĩ đến cảnh "một nắng hai sương" vất vả của người nông dân mà thu nhập lại chẳng đáng là bao.
Lý Nhân