Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được tăng cường với nhiều hình thức tuyên truyền hấp dẫn, phù hợp với từng nhóm hội viên phụ nữ (nữ thanh niên, nữ công nhân lao động, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ dân tộc, phụ nữ Công giáo).
Hàng năm, Hội Phụ nữ các cấp khi xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án, đề án đều quan tâm lồng ghép các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và triển khai thực hiện toàn diện các hoạt động, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về bình đẳng giới và hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc.
Các cấp Hội đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của Hội; nâng cao kiến thức mọi mặt của phụ nữ đảm bảo quyền bình đẳng trong lĩnh vực văn hóa, thông tin; tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, tổ chức cuộc sống gia đình… 100% cơ sở Hội tổ chức truyền thông, tập huấn, hội thảo về bình đẳng giới, luật pháp, chính sách..., thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.
Để chị em có điều kiện được tư vấn về pháp luật, Hội LHPN tỉnh thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội cơ sở thành lập được 42 Góc tư vấn pháp luật. Nhiều chị em đã được tư vấn giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân và tư vấn tiền hôn nhân, được trợ giúp pháp lý... Trong 10 năm (2007-2017), các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức tư vấn pháp lý cho trên 6.000 người kết hợp tuyên truyền nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, hôn nhân, gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, tình yêu, giới tính và các quyền của phụ nữ trong pháp luật Việt Nam.
Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo điểm mô hình, điển hình tuyên truyền về pháp luật, kiến thức bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, như:mô hình "Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới" tại Khánh Nhạc (Yên Khánh); mô hình "Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho phụ nữ" tại huyện Kim Sơn, Hoa Lư, Yên Khánh. Từ các mô hình làm điểm, sau thời gian hoạt động hiệu quả đã được rút kinh nghiệm, nhân diện rộng.
Hiện nay toàn tỉnh đã có 321 CLB về pháp luật và bình đẳng giới, thu hút đông đảo hội viên tham gia với nhiều thành phần là nam giới, học sinh nam, nữ. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục vận động của Hội, đã có trên 90% hội viên, phụ nữ được tiếp cận các thông tin của Hội, góp phần nâng cao trình độ, nhận thức, củng cố niềm tin, huy động sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh, huyện chủ động đề xuất, phối hợp giám sát việc thực hiện 18 chính sách liên quan đến gia đình, phụ nữ và cán bộ nữ; tăng cường tổ chức đối thoại chính sách, đổi mới công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật, giải quyết đơn thư.
Trong 10 năm, các cấp Hội đã tổ chức 17 cuộc đối thoại trực tiếp với 2.600 cán bộ, hội viên, phụ nữ của 45 xã; tổ chức 1.700 hội nghị tuyên truyền kết hợp tư vấn lưu động; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những kiến nghị, đề xuất của phụ nữ, góp phần phát huy dân chủ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và tổ chức Hội.
Nhiều năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Các cấp Hội chủ động tham mưu, đề xuất với HĐND có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữđược học nghề, có việc làm, tăng thu nhập, tham gia xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế, giúp chị em ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.
Đồng thời tham mưu với tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ từ 2 - 10 triệu đồng cho cán bộ nữ khi được cử đi đào tạo (tùy thuộc vào trình độ đào tạo từ trung cấp đến tiến sỹ khoa học), giúp cán bộ nữ tham gia đào tạo giảm bớt khó khăn, khuyến khích họ tích cực học tập, nâng cao trình độ, năng lực.
Công tác tham mưu về xây dựng đội ngũ cán bộ nữ được các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh chủ động thực hiện bài bản, khoa học, góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
Hội LHPN tỉnh đã thực hiện thành công Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về "Các yếu tố ảnh hưởng và giải pháp tăng tỷ lệ nữ cấp ủy, nữ đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020 và những nhiệm kỳ tiếp theo" làm cơ sở khoa học triển khai các hoạt động tham mưu về công tác cán bộ nữ; ký chương trình phối hợp với ủy ban MTTQ cùng cấp góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021...
Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và đại biểu HĐND các cấp đều tăng so với các nhiệm kỳ trước đây, đặc biệt cấp tỉnh có 2 nữ ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 1 nữ ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, 1 nữ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; số cán bộ nữ chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có 26 chị (tăng 17 chị so với năm 2007); cấp huyện có 154 chị (tăng 74 chị so với năm 2012); cấp huyện có 8 nữ Phó Chủ tịch HĐND, UBND; cấp xã có 28 nữ Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND (tăng 21 chị so với năm 2007); có 120 nữ trưởng, phó phòng cấp sở (chiếm 18,04%); 150 nữ trưởng, phó phòng cấp huyện và tương đương (29,3%).
Đội ngũ cán bộ nữ trong tỉnh có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, tinh thần trách nhiệm cao, cầu thị, sâu sát, dân chủ trong lãnh đạo, quản lý nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã góp phần cùng với các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển. Và thực tế, trên nhiều lĩnh vực phụ nữ đã, đang khẳng định vai trò, vị trí của mình. Đây cũng chính là những yếu tố quan trọng để thực hiện tốt các mục tiêu bình đẳng giới.
Đinh Ngọc