Gia Lập là xã còn nhiều khó khăn của huyện Gia Viễn. Theo hướng dẫn của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, địa phương đã sớm bắt tay vào thực hiện tiêu chí văn hóa trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xác định đây là tiêu chí trong số những tiêu chí khó, cần sự đồng thuận và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân, Gia Lập đã chú trọng triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức nhằm thu hút nguồn lực về mọi mặt. Khi cán bộ nhân dân nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới thì những công việc được triển khai rất thuận lợi. Không chỉ người dân địa phương mà đội ngũ con em quê hương công tác ở mọi vùng miền Tổ quốc cũng nhiệt tình ủng hộ. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Gia Lập đã huy động trên 307 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 232 tỷ đồng, chiếm trên 70%. Từ sự đóng góp này, xã đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình như trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn và đặc biệt là xã đã hoàn thành xây dựng nhà văn hóa xã và 8/8 thôn có nhà văn hóa khang trang. Các câu lạc bộ cũng phát triển đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo hội viên tham gia như CLB cầu lông, bóng bàn, dưỡng sinh, văn nghệ… đặc biệt, nhà văn hóa xã được xây dựng khang trang với nhiều phòng chức năng nằm ở giữa trung tâm xã đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Nhằm thực hiện tiêu chí văn hóa, xã Gia Lập còn phát động nhiều phong trào như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng gia đình, dòng họ thực hiện nếp sống văn hóa; giữ gìn an ninh trật tự… việc thực hiện tốt các phong trào đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 2,46%. Theo ông Phạm Ngọc Văn, Trưởng phòng Gia đình và xây dựng nếp sống văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới có các tiêu chí về văn hóa là tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 về văn hóa và tiêu chí số 10 về nhiệm vụ phát triển dịch vụ du lịch ở nông thôn góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân ở các điểm, khu du lịch. Tuy cùng lúc phải thực hiện các tiêu chí, song Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn vừa là mục tiêu, là động lực phát triển xã hội. Vì vậy, ngành đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân các địa phương trong tỉnh hưởng ứng.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức khảo sát báo cáo đánh giá thực trạng quy hoạch, xây dựng, quản lý và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa- thể thao cấp xã và nhà văn hóa, khu thể thao cấp thôn, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo chuẩn nông thôn mới của tỉnh. Cùng với đó, chỉ đạo các Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với Trung tâm Văn hóa thể thao hướng dẫn xây dựng, củng cố và duy trì các thiết chế ở cơ sở như: Đài truyền thanh, thư viện, phòng thông tin, các câu lạc bộ, trung tâm học tập cộng đồng, nhà tập luyện và thi đấu thể thao, sân tập ngoài trời ở cơ sở… Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tổ chức các lớp chuyên đề bồi dưỡng hạt nhân văn hóa, thể thao làm nòng cốt để duy trì thường xuyên hoạt động của nhà văn hóa, khu thể thao cấp thôn. Tính riêng năm 2014, đã có 7 trung tâm văn hóa, thể thao xã và 30 nhà văn hóa-khu thể thao thôn được xây dựng, nâng tổng số xã có trung tâm văn hóa-thể thao lên 68/122 xã, đạt tỷ lệ 55,74%; 1.050/1.357 thôn, bản, xóm có nhà văn hóa- khu thể thao cấp thôn, đạt tỷ lệ 77,3%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở phát triển mạnh. Trong năm 2014, toàn tỉnh đã tổ chức trên 500 buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ giữa các đội, nhóm, CLB văn nghệ quần chúng ở các xã, thôn, bản. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 20% xã có CLB (đội văn nghệ); 561 tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng cấp thôn, bản. Các đội văn nghệ, CLB văn nghệ được thành lập tự nguyện và tự huy động, đóng góp kinh phí để hoạt động. Hệ thống thư viện cấp huyện, tủ sách, phòng đọc tại các trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn bản được củng cố; đã luân chuyển 350.000 lượt tài liệu sách báo phục vụ gần 125 nghìn lượt độc giả tại các địa phương trong tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ hướng dẫn 5 xã làm điểm bổ sung nội dung Bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình vào hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư. Chỉ đạo phòng Văn hóa và thông tin các huyện tiến hành rà soát việc đăng ký các danh hiệu xây dựng "Gia đình văn hóa", "Làng, bản, phố văn hóa", "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới", thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc đánh giá, công nhận và công nhận lại các danh hiệu văn hóa, kết hợp với đánh giá việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2014, toàn tỉnh có 187.048/224.414 số hộ gia đình ở khu vực nông thôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 88,35%; 1.066/1.357 làng, thôn, bản, xóm đạt danh hiệu làng văn hóa, chiếm tỷ lệ 78,56%; 395/638 cơ quan, đơn vị ở khu vực nông thôn đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 61,91%.
Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế, các đơn vị kinh doanh du lịch, các nhà đầu tư tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch tạo ra những sản phẩm phong phú, độc đáo. Sở cũng phối hợp với các sở, ban, ngành, Trường Đại học Hoa Lư và một số trường Đại học khác bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng cho người dân làm dịch vụ du lịch ở các khu, điểm du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch, nhằm tăng cường công tác giáo dục du lịch cộng đồng cho nhân dân tại các khu, điểm du lịch. Thông qua phát triển du lịch đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại các khu, điểm du lịch, trong đó có gần 3.000 lao động tham gia vận chuyển khách du lịch và hơn 100 hộ tham gia làm dịch vụ thương mại bán hàng lưu niệm tại Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vân Long… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 5,44% vào cuối năm 2014.
Nguyễn Hùng