Tỉnh Ninh Bình hiện có 29.411 người dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn, trong đó đồng bào Mường chiếm 93%, đồng bào Tày có 775 người, đồng bào Thái có 589 người, đồng bào Nùng có 284 người, đồng bào Dao có 93 người và đồng bào các dân tộc khác có 325 người. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vừa tập trung, vừa xen kẽ, chủ yếu ở các thôn, bản thuộc 8 xã của huyện Nho Quan và xã Yên Sơn thuộc thành phố Tam Điệp.
Thời gian qua, bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tỉnh Ninh Bình nói chung, các huyện, thành phố nói riêng đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương đã quan tâm tiến hành khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại các làng, bản trên địa bàn để có phương án bảo tồn cụ thể.
Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tàng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để họ hiểu và tôn trọng bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Từ đó, có ý thức giữ gìn và phát huy, gắn việc bảo tồn văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, đặc biệt là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được phát động rộng khắp ở các khu dân cư. Do đó, các chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số đã được các tổ chức, cá nhân, hiểu, có ý thức chấp hành quy định của pháp luật trong việc giữ gìn và phát huy.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng được quan tâm chú trọng. Hàng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và các địa phương đã rà soát, đăng ký nhu cầu xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và đề nghị hỗ trợ kinh phí để trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng. Trong đó, ưu tiên chú trọng đến việc bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Năm 2019 có 2 di tích của đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo là đình Lá (xã Yên Quang, Nho Quan) và chùa Liêm Thượng (xã Xích Thổ, Nho Quan) nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc.
Công tác bảo tồn các giá trị di sản văn nghệ dân gian, nhất là các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào dân tộc Mường được triển khai có hiệu quả. Hàng năm, việc tổ chức các hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện đều ưu tiên, khuyến khích các xã có đồng bào dân tộc Mường đưa các loại hình dân ca, dân vũ của đồng bào vào chương trình hội diễn như: hát giao duyên, hát đúm, hát ru, hòa tấu nhạc cụ cồng chiêng…
Trên địa bàn huyện Nho Quan đã thành lập được 7 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường. Huyện cũng thường xuyên phối hợp với Đài PT-TH tỉnh thực hiện các chuyên đề, phóng sự về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường như: "Người Mường vào xuân", "Đám cưới người Mường"… Các món ăn đặc sản mang đậm bản sắc địa phương như: thịt lợn Mường, hến, đậu phụ, rượu cần, rượu men lá được chú trọng phục hồi để đưa vào phục vụ khách tham quan tại các khu, điểm du lịch.
Công tác bảo tồn, giữ gìn tiếng nói của các dân tộc thiểu số cũng được quan tâm. Hàng năm, Nho Quan tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao các dân tộc đều sử dụng 2 ngôn ngữ là tiếng Mường và tiếng Kinh để khích lệ, động viên đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy tiếng dân tộc của mình. Hiện nay, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đều biết và nói được tiếng của dân tộc mình.
Đến nay, toàn tỉnh có 312 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 13 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là của dân tộc Mường như; hát ru con, hát đúm, hát sắc bùa, văn hóa cồng chiêng, lễ xuống đồng, lễ hội đầu xuân… đã và đang được bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị, trở thành nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bùi Diệu