Mọi tiếp cận đều phải dựa trên quyền
Sáng 30-11 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã diễn ra chương trình mít tinh và giao lưu hưởng ứng ngày Quốc tế về người khuyết tật 3-12 với chủ đề của LHQ cho ngày này là "Công ước về quyền của người khuyết tật - Nhân phẩm và sự công bằng cho tất cả chúng ta".
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc khẳng định, chưa bao giờ ở Việt Nam, trong khu vực Châu Á - TBD và trên toàn thế giới, người khuyết tật lại được nhìn nhận một cách đúng đắn và được tạo mọi điều kiện để phát huy khả năng của mình trong các lĩnh vực đến như vậy. Mọi tiếp cận của người khuyết tật đều dựa trên quyền.
Theo ông Đắc, cùng với Pháp lệnh về người khuyết tật đã ban hành được 10 năm, hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp các Bộ, ngành hữu quan đang tích cực xây dựng Dự thảo Luật về người khuyết tật với tinh thần Công ước về quyền của người khuyết tật, để trình Quốc hội xem xét trong năm sau.
Đề án Trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010 được Thủ tướng phê duyệt tháng 10-2006 đã xác định các chỉ số về lĩnh vực người khuyết tật ở Việt Nam cần đạt được vào cuối năm 2010.
Ông John Hendra.
Sự dịch chuyển phương thức tiếp cận Tại buổi mít tinh, ông John Hendra chia sẻ, điều không may mắn đối với người khuyết tật là họ không được tính đến trong gia đình, trong trường học và ngoài xã hội; thường chịu sự kỳ thị xã hội, bị gạt bỏ về chính trị và chịu thiệt thòi về kinh tế.
Theo ông John Hendra, được xây dựng trên khuôn khổ Tuyên ngôn nhân quyền, Công ước về quyền của người khuyết tật có hiệu lực từ ngày 3-5-2008 đã thiết lập quyền của 650 triệu người khuyết tật trên toàn thế giới. Công ước này có ý nghĩa đặc biệt khi thay đổi cách nhìn đối với tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề y tế, và xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền.
Ông John Hendra cũng khẳng định, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề về người khuyết tật. Người dân Việt Nam bắt đầu hiểu hơn về các nhu cầu và quyền lợi của người khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phải làm, trong đó nổi cộm là vấn đề tạo công ăn việc làm và tạo thu nhập cho người khuyết tật tại Việt Nam.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalack cũng cho rằng, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Cần tạo điều kiện giúp người khuyết tật tiếp cận thông tin và công nghệ để họ học tập, ứng dụng chuyên môn và thành đạt trong sự nghiệp.
Trợ giúp cần từ nhiều phía
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalack.
Cùng với việc Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để đưa trẻ khuyết tật đến trường, cung cấp việc làm, cơ hội đào tạo, hỗ trợ tài chính và chăm sức sức khỏe cho người khuyết tật, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có LHQ cũng đang hỗ trợ đáng kể thông qua các hoạt động hỗ trợ về tài chính và tư vấn chính sách. Ông John Hendra nhấn mạnh, nhóm các cơ quan LHQ tại Việt Nam, sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam để giúp bảo đảm việc thực hiện quyền con người.
Ông Michael Michalack cũng khẳng định sẽ tiếp tục cùng chính phủ và các nhà tài trợ tìm kiếm thêm các phương thức để hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam. Kể từ năm 1989, Hoa Kỳ đã cung cấp 46 triệu USD để giúp những người khuyết tật Việt Nam. Gần đây nhất, Hoa Kỳ đã công bố một khoản tài trợ của Chính phủ với giá trị tổng cộng khoảng một triệu USD dành cho người khuyết tật.
Ông Michalack tin tưởng rằng, khi được giúp đỡ, khích lệ và có cơ hội về học tập, đào tạo và việc làm thì người khuyết tật có thể tìm được thành công trong tất cả các lĩnh vực.
Cũng trong chương trình mít tinh diễn ra sáng nay, Ban tổ chức đã trao tặng 31 bộ máy vi tính cho người khuyết tật. Đây là hoạt động thuộc Chương trình nhắn tin nhân ái 10.000 máy vi tính dành cho người khuyết tật, do Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD) phối hợp Cục ứng dụng công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện.
Buổi chiều, sàn giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật được diễn ra nhằm hỗ trợ người khuyết tật nhận được việc làm phù hợp và có thu nhập ổn định.
Nhân dịp này, trang tin điện tử của Chương trình "Dải băng xanh" BREC cũng ra mắt với địa chỉ www.BREC.nhanai.vn.
Theo NDĐT