Năm 2012, mặc dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn đạt: Công nghiệp-xây dựng 46,35%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 15,31%; dịch vụ 38,34%. Đến nay tỉnh đã thu hút được 451 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 82.180 tỷ đồng, số dự án chưa triển khai đã thu hồi là 54 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 5.801 tỷ đồng, số dự án còn lại đang hoạt động hoặc đang trong quá trình đầu tư là 397 dự án, với số vốn đăng ký 76.379 tỷ đồng. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài là 27 dự án, với số vốn đăng ký là 14.536 tỷ đồng, từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo các hình thức đầu tư liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp đã sớm hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất, tạo sản phẩm mới, góp phần quan trọng tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, trong đó nổi bật là Nhà máy cán thép Tam Điệp; các nhà máy xi măng: Tam Điệp, The Vissai, Hướng Dương, Duyên Hà và nhiều doanh nghiệp khác như Nhà máy ô tô Thành Công, Nhà máy sản xuất kính nổi Tràng An, Nhà máy sản xuất giày Adora... đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 264 triệu USD. Kết thúc năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,4% so với năm 2011, giá trị xuất khẩu đạt 450 triệu USD. Hàng năm đã cung cấp các sản phẩm công nghiệp đa dạng và có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế như 9 triệu tấn xi măng, 100 nghìn tấn thép, trên 500 triệu viên gạch, gần 3.000 chiếc ô tô, trên 7 triệu m2 kính nổi, 2 triệu sản phẩm thêu. Các khu vui chơi, giải trí, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng có sức hấp dẫn du khách tham quan thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và du lịch cộng đồng, làng nghề, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ.
Trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế đang là nhiệm vụ trọng tâm của nước ta hiện nay, việc thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bổ sung nguồn lực, đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Thời gian tới, tỉnh xác định kêu gọi thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách một cách có chọn lọc, thu hút những nhà đầu tư có năng lực thật sự, các dự án có quy mô lớn, có khả năng thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển, tạo ra các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, giá trị gia tăng cao cũng như các dự án kinh doanh dịch vụ du lịch có chất lượng cao, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, giải quyết an sinh xã hội. Một số giải pháp chủ yếu là sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch; có chính sách huy động tốt, tạo thuận lợi đối với các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp, bao gồm: Mặt bằng sản xuất, các điều kiện sản xuất, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư; khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư theo các hình thức BOT, BTO, BT, PPP... Tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, tổ chức các cuộc gặp mặt, tiếp xúc các doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh. Riêng đối với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút FDI, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Ưu tiên thu hút những dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào cuối tháng 11-2012. Trong khuôn khổ hội nghị này, tỉnh định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như, lĩnh vực nông nghiệp: Ưu tiên đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và sản xuất giống chất lượng cao; chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Lĩnh vực công nghiệp: Ưu tiên các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, những dự án sử dụng lao động địa phương, nộp ngân sách cao. Lĩnh vực du lịch: Ưu tiên đầu tư hạ tầng khu, điểm du lịch, các dự án vui chơi, giải trí chất lượng cao, các dự án sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch. Lĩnh vực văn hóa-xã hội: Ưu tiên các dự án đầu tư có tính chất xã hội hóa vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội... Trong số 20 dự án mời gọi đầu tư dịp này, lĩnh vực công nghiệp có 9 dự án; du lịch 3 dự án; nông nghiệp 4 dự án; hạ tầng kỹ thuật đô thị 4 dự án. Tại Hội nghị, đã có 7 dự án được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư, gồm: Nhà máy sản xuất phân bón NPK - Bình Điền (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền); Dự án Điều chỉnh, mở rộng bến cảng đường thủy, giai đoạn II (Xí nghiệp cơ khí Quang Trung); Nhà máy chế biến bảo quản nông sản Ninh Bình (Công ty cổ phần Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Kênh Gà (Công ty TNHH xây dựng Thống Nhất); Khu sinh thái và biệt thự Golden Cúc Phương (Công ty cổ phần du lịch Cúc Phương); Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao (Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam); Khách sạn 5 sao (Xí nghiệp cơ khí Quang Trung) với tổng nguồn vốn đăng ký là 9.118,1 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng đã ký 5 biên bản ghi nhớ với các đối tác và nhà đầu tư. Sau hội nghị xúc tiến đầu tư, đã có nhiều đoàn doanh nghiệp, tổ chức quốc tế về thăm quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Ninh Bình như: Hội doanh nghiệp Rotary (Nhật Bản); các doanh nghiệp của Israel; Đài Loan, Trung Quốc... Năm 2013 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, nhưng những hoạt động trên là tín hiệu vui trong công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh trong những năm tới.
Đinh Chúc