Ngày nay kế thừa truyền thống thi ca của các bậc tiền nhân, phong trào thi ca của Ninh Bình vẫn nối tiếp được mạch nguồn trong trẻo ấy. Nhiều nhà thơ Ninh Bình đã chuyên tâm sáng tác và đã từng bước khẳng định được tên tuổi cũng như giá trị tác phẩm của mình.
Nhà thơ Lâm Xuân Vi với trữ năng sáng tạo đặc biệt đã cho ra đời khối lượng tác phẩm đồ sộ và hàng loạt những giải thưởng: Giải nhì thơ Hà Nam Ninh (1987-1988); Giải A thơ Ninh Bình năm1995; Giải A giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu lần thứ nhất (1992 - 1996) với tập "Trăng riêng"; Giải chính thức của ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 1997, Giải A giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu lần thứ 2 (1997 -2001) với tập Lời cỏ may; Giải chính thức của ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2002, Giải A giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu lần 3 (2002 - 2006) với tập "Sau phía cơn mưa"...Nhà thơ Bình Nguyên với cốt cách thơ kiêu bạc và tài hoa, mỗi bài thơ của ông là một cuộc phiêu du vào thế giới của sự sáng tạo, in dấu trong nhiều tập thơ: Hoa thảo mộc (2001), Trăng Đợi (2004), Đi về nơi không chữ (2006), Lang thang trên giấy (2009)...
Dấu ấn tài năng và cá tính nghệ thuật ấy đã được giới văn chương ghi nhận bởi hàng loạt giải thưởng: giải A cuộc thi thơ lục bát toàn quốc 2002-2003 của Báo Văn nghệ, Giải chính thức của ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cho tập thơ "Trăng đợi" năm 2004, giải chính thức cuộc thi thơ toàn quốc "Bác Hồ với chúng ta" năm 2003-2004 của Báo Văn nghệ; Giải C (không có giải A và giải B về thơ) của ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2006 cho tập thơ "Đi về nơi không chữ"... Ngoài ra có thể kể tên nhiều tác giả thơ mà tên tuổi đã trở nên quen thuộc với bạn đọc như: Đinh Ngọc Lâm, Tống Xuân Điển, Nguyễn Khắc Thiệu,Vũ Thành, Vũ Đức Thanh, Trần Duy Đới, Lê Công, Trương Minh Phố, Ninh Đức Hậu, Trần Xuân Trường, Phạm Tâm An...Ngoài Hội Văn học nghệ thuật tỉnh là nơi quy tụ đội ngũ sáng tác thơ có chất lượng nghệ thuật cao còn có nhiều câu lạc bộ, tổ, nhóm thơ hoạt động mạnh với số lượng thi hữu đông đảo, với tinh thần mến mộ thơ ca đặc biệt: câu lạc bộ thơ Thúy Sơn, câu lạc bộ Đường thi Tam Điệp, câu lạc bộ thơ Việt Nam huyện Nho Quan, Yên Khánh...
Qua quá trình hoạt động, các câu lạc bộ thơ đã tập hợp, tuyển chọn và cho ra đời nhiều tuyển tập thơ tương đối có giá trị. Trong thời gian 5 năm, các câu lạc bộ thơ trong tỉnh với kinh phí tự túc đã xuất bản được nhiều tập thơ: Gia Viễn 10 tập, Tam Điệp 2 tập, Nho Quan 2 tập, Yên Khánh 4 tập...Riêng CLB thơ Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã ấn hành tập thơ Hoa Lau với 377 bài thơ của 190 tác giả với số lượng 400 cuốn. Các ngày hội thơ, đêm thơ được tổ chức tại các câu lạc bộ, giao hữu, xướng họa giữa các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh đã mang lại cơ hội giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ, kết tình bằng hữu giữa những người yêu thơ, nhân lên niềm yêu thích thơ văn trong các tầng lớp nhân dân. Các diễn đàn về thơ không chỉ là nơi giao lưu xướng họa mà dần trở thành nơi trao gửi tình cảm, giãi bày tâm sự, kết nối tri âm giữa những người bạn thơ, dần trở thành một nhu cầu sinh hoạt không thể thiếu được của các thi hữu. Từ hoạt động thơ phong trào cũng đã bước đầu phát hiện, bồi dưỡng và tuyển chọn được nhiều tác giả thơ có tiềm năng bổ sung vào đội ngũ hội viên thơ của Hội văn học nghệ thuật tỉnh.
Ngoài ra còn phải kể đến một lực lượng hùng hậu các tác giả là các nhà giáo với nhiều tác giả đã có thơ in và nhận được sự phản hồi tích cực từ phía bạn đọc. Đội ngũ các nhà giáo làm thơ tuy mới chỉ có thành tựu bước đầu song được đánh giá là lực lượng sáng tác giàu tiềm năng sáng tạo và trong tương lai sẽ còn nhiều cống hiến hơn nữa cho thơ ca tỉnh nhà. Nhiều năm liền vào Ngày thơ Việt Nam ngành Giáo dục đều tổ chức kỷ niệm đã tạo được ấn tượng và dư âm tốt trong lòng công chúng. Nhiều tác giả thơ hiện đang công tác trong ngành giáo dục hoặc đã nghỉ hưu vẫn thể hiện sự sung sức trong sáng tác. Lớp nhà thơ cựu trào có Thanh Thản, Lê Thi Hữu, Đinh Hữu Niên, Võ Ngột, Trần Anh Thuận, Nhuệ Giang, Nguyễn Thị Bình. Lớp các nhà thơ trẻ với tên tuổi của An Thị Quế, Cầm Thị Đào, Bùi Thị Nhài, Đặng Diệu Thoa, Bùi Hồng...Đây là đội ngũ được đào tạo cơ bản, có trình độ cao, am hiểu cách thức, lề luật trong sáng tác nên đây sẽ là nơi tạo nguồn hội viên rất tốt cho hội VHNT tỉnh.
Tất nhiên không chỉ riêng ở lĩnh vực thi ca mà ở nhiều địa hạt sáng tạo khác không phải cứ được đào tạo tốt thì có khả năng sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị, song cũng không thể phủ nhận một điều rằng tầm tri thức, những am hiểu về chuyện "bếp núc" nghề thơ quyết định rất nhiều đến việc hình thành và làm nên giá trị một tác phẩm. Bởi thế việc khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực sáng tác thơ, đối với mỗi tác giả nhà giáo, bên cạnh ưu thế về những tri thức trong nghề nghiệp còn cần khát vọng sáng tạo từ mỗi cá nhân. Với những gì mà các nhà thơ giàu cá tính sáng tạo như Cầm Thị Đào, Bùi Thị Nhài đã trình làng cùng bạn đọc qua nhiều thi phẩm tôi tin rằng những "nhà giáo - nhà thơ" sẽ còn đi xa hơn nữa trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Không phải ngẫu nhiên mà thơ đã tồn tại từ khi ra đời hàng ngàn năm cho tới ngày nay. Sự tồn tại của thơ được xem như một phần không thể thiếu của đời sống. Quan niệm về một bài thơ hay có nhiều cách nhưng tựu trung lại những tác phẩm có giá trị không bao giờ đi ra ngoài quy luật của các giá trị chân, thiện, mỹ. Bởi thế chừng nào con người còn yêu mến cái đẹp, còn trân quý sự hướng thiện thì thơ ca còn có lý do để tồn tại. Soi vào câu chuyện về thơ Ninh Bình chân lý ấy cũng không hề cũ.
Mai Phương