Ninh Bình là vùng đất của "địa linh, nhân kiệt", là nơi sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng, các danh sỹ, trí thức Nho học như Trương Hán Siêu,Vũ Phạm Khải, Ninh Tốn, Phạm Thận Duật, Nguyễn Tử Mẫn...Truyền thống Nho học vốn trọng thi phú, do vậy các nhà Nho vẫn thường mượn thi phú để giãi bày tâm sự thể hiện cái "chí" cái "đạo" của mình. Đây chính là cơ sở để ngày nay trong kho tàng văn hóa của Ninh Bình vẫn còn lưu giữ được nhiều thi phẩm có giá trị của các bậc tài danh.
Nối tiếp mạch nguồn văn hóa ấy, nền thơ Ninh Bình hiện tại cũng rất phát triển với một đội ngũ đông đảo ngòi bút hướng các sáng tác của mình vào địa hạt thi ca. Chỉ tính riêng những hội viên thuộc Bộ môn thơ của Hội văn học nghệ thuật tỉnh cũng đã có tới 31 thành viên. Các hội viên thơ Ninh Bình cũng bao gồm nhiều lứa tuổi, xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau tạo nên những góc nhìn đa diện, đa sắc màu trong cách cảm, lối viết với nhiều gương mặt thơ dồi dào năng lượng nghệ thuật, giàu cá tính sáng tạo. Có thể kể tên nhiều tác giả đã có thơ in thành sách và đã phần nào quen thuộc với công chúng yêu thơ Ninh Bình như: Lâm Xuân Vi, Bình Nguyên, Trần Lâm Bình, Thanh Thản, Tống Xuân Điển, Lê Thi Hữu, Trần Quang Hiển, Mạc Khải Tuân, Võ Ngột, Vũ Đức Thanh, Nguyễn Quang Hảo, Trần Anh Thuận, Trương Minh Phố, Lê Nhuệ Giang, Đinh Hữu Niên, Vũ Xuân Trường, Vũ Thành, Tâm An, Trần Xuân Trường, Đặng Diệu Thoa...Trong số rất nhiều tác giả thơ Ninh Bình cũng có nhiều thi sỹ có chân tài, với quá trình hoạt động nghệ thuật lâu dài, tư duy nghệ thuật nhạy bén, vốn kiến văn rộng đã cho ra đời nhiều thi phẩm có giá trị. Nhà thơ Lâm Xuân Vi với kinh nghiệm bề dày 40 năm cầm bút đã cho ra đời 10 tập thơ: Mưa nắng sông quê(1988), Nắng ngày xa (1989), Muộn mằn (1993), Trăng riêng (1994), Lời cỏ may(1997), Lục bát đi tìm(2000), Sau phía cơn mưa(2001), Nẻo vòng tìm yêu (2003), Chầm chậm sang thu (2005), Tuyển tập thơ Lâm Xuân Vi 2008...Thơ họ Lâm vừa mang hơi thở cuộc sống lại vừa giàu tính triết luận, mang sức nặng của chiều sâu chiêm cảm của một cá tính nghệ thuật sắc nhọn, già dặn. Nhà thơ Bình Nguyên với Hoa thảo mộc (2001), Trăng đợi (2004), Đi về nơi không chữ (2006), Lang thang trên giấy (2009)...cho thấy một tâm hồn đa cảm, tài hoa. Thơ với Bình Nguyên như một cuộc phiêu lưu vào thế giới nghệ thuật ngôn từ, kiếm tìm ý nghĩa của bản thể trong cái hun hút mênh mông vô tận của hai chiều thời gian và không gian vĩnh hằng. Trong đội ngũ đông đảo những người thơ Ninh Bình ngoài Lâm Xuân Vi, Bình Nguyên thì mỗi tác giả thơ khác là một cá tính sáng tạo nghệ thuật với phức hợp những góc nhìn đa dạng, đa diện, nhiều chiều về cuộc sống. Một Mạc Khải Tuân với Hoa Lư phật đạo du khảo niệm ngâm vừa gai góc vừa giàu sức chiêm nghiệm. Một Vũ Đức Thanh với Mùa hoa cúc quỳ, Lặng im nhớ vừa đằm sâu vừa phóng khoáng trong cuộc chơi ngôn ngữ. Võ Ngột với những câu thơ như con tằm rút ruột nhả tơ trong Lặng thầm xanh. Trần Xuân Trường với trong trẻo, lành lẽ, sâu lắng hồn quê trong Trăng nghiêng, Ô cửa đựng mùa xuân...Sự giàu có những cá tính nghệ thuật giúp nền thơ Ninh Bình có được sự sung sức trong cuộc đua sáng tạo vừa thú vị vừa nghiệt ngã. Các nhà thơ Ninh Bình với sự tôn quý thiên chức của người nghệ sỹ, ý thức công dân của mình đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, vừa tỏ rõ yếu tố "bản sắc" trong các thi phẩm lại cho cho thấy tính "hội nhập" sâu rộng vào sân chơi văn hóa toàn quốc.
Tất nhiên trong số nhiều tác giả thơ Ninh Bình có những người được thành tựu viên mãn trong cuộc chơi nghệ thuật nhưng không phải không có những người tỏ ra hụt hơi, đuối sức bị tụt lại phía sau cuộc đua tranh nghệ thuật vốn dĩ khắc nghiệt. Âu cũng là sự sàng lọc tự nhiên. Trong cuộc phiêu lưu nghệ thuật không có chỗ cho người thiếu chân tài và thiếu khát vọng, nhất là trong bối cảnh mà Internet ngày càng hiện diện sâu vào đời sống người dân, trình độ tiếp nhận của công chúng yêu thơ ngày càng được cải thiện, sự đòi hỏi của người đọc với những người sáng tác ngày càng khắt khe thì việc các tác giả thơ Ninh Bình khẳng định ở những sân chơi lớn là vô cùng quan trọng. ở một góc độ nào đó bản thân sự hội nhập ấy của các nhà thơ Ninh Bình vào làng thơ Việt đã là sự thành công. Nói khác đi đó chính là sự góp công mang bản sắc thơ Ninh Bình góp vào vườn thơ Việt, tôn vinh sắc thái thơ Ninh Bình với cả nước. Muốn làm được điều ấy vấn đề không gì khác chính là những tác giả thơ đã thành danh hay những nhà thơ tuy thi tài còn chưa có dịp phát lộ nhưng luôn nung nấu trong mình khát vọng sáng tạo, cống hiến. Những gương mặt thơ Ninh Bình trong cuộc đời nghệ thuật của mình cũng tùy vào năng lực sáng tạo cá nhân, nội lực văn hóa riêng mà ở những mức độ khác nhau có những đóng góp nhiều hay ít cho hoạt động sáng tạo thơ.
Với nền thơ Ninh Bình hiện tại ngoài các tác giả là hội viên bộ môn thơ Hội VHNT tỉnh là lực lượng chủ đạo thì còn có nhiều tác giả tuy chưa là hội viên Hội VHNT tỉnh hay chỉ mới là các hội viên chi hội VHNT các huyện, thành viên các câu lạc bộ thơ...nhưng với khao khát được cống hiến, được giãi bày, sáng tạo, thử thách nên vẫn kiên trì, miệt mài với hoạt động sáng tác. Trong số đó có nhiều tác giả đã bằng tinh thần cầu thị, ham học hỏi, đam mê nghệ thuật đã dần đi từ hoạt động sáng tác nghiệp dư sang địa hạt chuyên nghiệp và trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh. Chính những tác giả này sau đó lại là hạt nhân cố kết hoạt động sáng tác thơ tại nhiều địa phương, đơn vị, ngành... Trong toàn tỉnh cũng có nhiều câu lạc bộ thơ có số lượng hội viên đông, các tác phẩm chọn in có chất lượng tốt: CLB Thơ Thúy Sơn, Mã Yên (Hoa Lư)...Nhiều địa phương, ngành đã tổ chức được hội thơ vào Ngày thơ Việt Nam thu hút đông đảo công chúng yêu thơ và gây tiếng vang tốt như: Ngành giáo dục và đạo tạo, Chi Hội VHNT huyện Yên Mô...
Đức Bá