Hiện nay, những trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc các bệnh mãn tính, bẩm sinh, tàn tật… là đối tượng luôn phải chịu thiệt thòi, bất hạnh khi cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, thời gian qua, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp... đã luôn quan tâm triển khai bằng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, hiệu quả, từ đó các em được giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Chị Phạm Thị Ngân, xã Yên Lâm (huyện Yên Mô) là gia đình vốn dĩ không khá giả gì bởi vợ chồng trẻ, công ăn việc làm không ổn định. Gia đình càng lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi con trai sinh ra được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh. Cuộc sống gia đình vốn đã nghèo, giờ thêm con trai mắc bệnh nặng không có tiền chạy chữa khiến anh chị già trước tuổi. Rất may, được Tập đoàn Viettel tài trợ, tháng 1/2018, con trai chị Ngân được phẫu thuật miễn phí thông liên thất tại Bệnh viện E Hà Nội với chi phí ca mổ lên tới 50 triệu đồng. Được tài trợ mổ miễn phí, chị Ngân cho biết, chị mang ơn Tập đoàn Viettel và những bác sĩ đã đem lại sự sống cho con trai mình. Cuộc chiến với căn bệnh tim của con còn dài, bởi cháu vẫn còn bị bệnh tim hở hẹp van hai lá, thời gian tới cũng cần phải phẫu thuật mới duy trì được cuộc sống khỏe mạnh. Chị Ngân mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tài trợ của các tổ chức, cá nhân để con trai có cuộc sống như những đứa trẻ bình thường khác.
Đối với chị Lương Thị Chiên, xã Xích Thổ (huyện Nho Quan) thì niềm vui thấy con được bình thường như bao đứa trẻ khác là niềm hạnh phúc to lớn mà một người mẹ như chị cảm nhận được. Con trai chị Chiên 4 tuổi, bị dị tật bẩm sinh với bàn tay 6 ngón dính liền khiến cháu khó có thể làm được các công việc phục vụ bản thân và rất tự ti khi bị bạn bè trêu ghẹo. Gia đình lại thuộc hộ nghèo nên không có tiền đi mổ cho con. Nay may mắn được Dự án của Tổ chức SAP- VN phối hợp với Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Tam Điệp thực hiện ca mổ chỉnh hình dị tật xương khớp thành công khiến cháu và gia đình rất vui mừng và cảm ơn chương trình. Chị Chiên mong muốn có thêm nhiều gia đình được các tổ chức, chương trình tài trợ khám chữa bệnh miễn phí, để những đứa trẻ con nhà nghèo không may mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh nan y được khám, chữa bệnh kịp thời, có một cuộc sống khỏe mạnh như bao trẻ em khác.
Bác sỹ Vũ Văn Trình, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Tam Điệp cho biết: Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, Bệnh viện phối hợp với Tổ chức SAP-VN, là một tổ chức cứu trợ nhân đạo phi lợi nhuận thành lập tại Mỹ, đã có mặt ở Ninh Bình 20 năm qua, tổ chức phẫu thuật miễn phí cho 59 trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình nghèo. Để chương trình hoạt động hiệu quả, hàng năm, Bệnh viện phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc rà soát đối tượng các em mắc khuyết tật, bao gồm các dị tật về hệ cơ xương khớp, dị tật vận động, lệch trục giải phẫu, các loại dị tật bẩm sinh… đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng được các bác sĩ khám sàng lọc và tiến hành phẫu thuật, giúp các em dần trở lại vận động bình thường. Toàn bộ chi phí chữa trị cho các trường hợp trẻ em khuyết tật, tàn tật có xác nhận hộ nghèo đều được miễn phí hoàn toàn. Những năm qua, đã có hàng trăm trẻ em được phẫu thuật miễn phí; trong đó riêng năm 2016, có 62 trẻ em và năm 2017, có 66 trẻ em được phẫu thuật thành công, giúp các em hoàn thiện cơ thể, phát triển khỏe mạnh và hòa nhập cộng đồng, tự tin trong cuộc sống.
Đồng chí Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, công tác bảo vệ trẻ em được thực hiện theo 3 cấp độ: Phòng ngừa giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (Cấp độ 1); Phát hiện, can thiệp sớm để chấm dứt hoặc giảm thiểu mức độ tổn hại do các nguy cơ gây tổn hại đang diễn ra với trẻ em (Cấp độ 2) và Can thiệp, trợ giúp phục hồi trẻ em sau khi tổn hại (Cấp độ 3). Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí và thực hiện quyền tham gia của trẻ em cũng được ngành quan tâm thực hiện hiệu quả, đảm bảo cho trẻ em có cơ hội thực hiện các quyền lợi của mình, được phát triển đầy đủ thể chất và trí tuệ.
Đối với những trẻ em bị tổn hại như: mồ côi, bị bỏ rơi, lạm dụng thể chất, lạm dụng tình cảm, sao nhãng, xâm hại tình dục, vi phạm pháp luật… đã được các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai các hoạt động hỗ trợ, phục hồi và tái hòa nhập cho trẻ em. Trong đó trẻ em khuyết tật trong các gia đình nghèo, gia đình có khó khăn về kinh tế được hỗ trợ, giúp đỡ phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng để hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, các hoạt động can thiệp tác động tới trẻ em, cha mẹ trẻ và các thành viên trong gia đình nhằm giải quyết những nhu cầu tâm lý xã hội của trẻ và khả năng bảo vệ trẻ em của cha mẹ và người chăm sóc trẻ em như: Điều trị y tế, tư vấn, tham vấn, thăm gia đình, chăm sóc nhận nuôi tạm thời, đưa trẻ vào Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, hỗ trợ quay lại trường học, đào tạo dạy nghề, hỗ trợ tăng thu nhập cho gia đình...
Hạnh Chi