Các doanh nghiệp của thị xã được chia theo 4 ngành sản xuất: Công nghiệp có 29 doanh nghiệp với 1.218 lao động. Thương mại, dịch vụ, du lịch có 36 doanh nghiệp tham gia kinh doanh. Vận tải có 9 doanh nghiệp, thu hút gần 500 lao động. Có 11 doanh nghiệp tham gia hoạt động xây dựng, thu hút 319 lao động. Tuy nhiên, việc phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn ở mức độ khiêm tốn, chưa phát huy được nguồn lực sẵn có, đòi hỏi thị xã phải có chiến lược phát triển hợp lý nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh, tạo đà cho kinh tế phát triển.
Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp của thị xã Tam Điệp những năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc song chưa vững chắc và ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư nên quy mô sản xuất còn nhỏ bé. Sự lựa chọn ngành, nghề kinh doanh chưa ổn định, số lao động thu hút chưa cao, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Sản phẩm làm ra tính cạnh tranh thấp, chưa có ngành nghề mũi nhọn và mặt hàng chủ lực có thu nhập cao. Nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp tại chỗ không có. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều đầu mối trung gian, ngày công lao động thấp.
Chị Lan - chủ doanh nghiệp tư nhân L.P cho rằng: Mấy năm trước, chị đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh điện thoại, thời điểm đó có rất ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nên kinh doanh hiệu quả. Sau này nhiều doanh nghiệp được thành lập, thị trường điện thoại di động bão hòa nên chị không dám đầu tư mở rộng. Có những thời điểm kinh doanh khó khăn, chị đã định đóng cửa hàng do thuế và chi phí tăng, vốn đầu tư cao… Theo chị, Nhà nước nên có một số chính sách hợp lý khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh như: Vốn vay ưu đãi, giá thuê đất hợp lý. Cùng suy nghĩ với chị Lan, chị Vân - Giám đốc Công ty TNHH Vân Lâm cho rằng: Để mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải cần đến việc sử dụng đất để làm nhà xưởng nên việc cho doanh nghiệp thuê đất lâu dài với giá hợp lý cũng là một giải pháp quan trọng để phát triển doanh nghiệp.
Công ty TNHH cán thép Tam Điệp. Ảnh CTV
Bên cạnh đó, hệ thống chợ, các khu dịch vụ, cụm công nghiệp chưa đầu tư đúng mức, việc giải phóng mặt bằng chưa kịp thời, chi phí cao làm cho các doanh nghiệp nhỏ không có điều kiện để thuê mặt bằng sản xuất.
Trước những tồn tại, bất cập trên, thời gian tới thị xã Tam Điệp cần có cơ chế, chính sách hợp lý để phát triển ổn định các cơ sở và mặt hàng hiện có phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Định hướng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ gia đình, các tổ chức có khả năng thành lập được các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng TTCN cao cấp như: Mây tre đan, đồ gỗ hiện đại đang được ưa chuộng… Đồng thời đào tạo những lao động có tay nghề cao cho đi học tập, tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Nâng cao chất lượng các mô hình khuyến công, bồi dưỡng thêm nghiệp vụ quản lý sản xuất, kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp cá thể. Xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp của thị xã và quy chế ưu đãi, đầu tư để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào địa bàn.
Khánh Vân