Ngày 26/7/2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020. Theo đó, đối tượng thụ hưởng là những người đã tốt nghiệp THCS, THPT, lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Ninh Bình thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động thuộc 55 xã có tính chất đặc thù… Những nhóm ngành, nghề hỗ trợ do tỉnh đặt hàng đào tạo như: công nghệ kỹ thuật, công nghệ cơ khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, công nghệ hóa học, khách sạn, du lịch, ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô… với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người/năm học. Mỗi người chỉ được nhận hỗ trợ đào tạo 1 lần từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ ngân sách của tỉnh. Nghị quyết được thi hành từ ngày 1/1/2018. Theo Nghị quyết, hiện nay tỉnh ta đã thực hiện phân bổ 330 chỉ tiêu với tổng kinh phí gần hai tỷ đồng cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề như: Trường cao đẳng Cơ điện xây dựng Việt Xô, Cao đẳng nghề Cơ giới; Lilama, Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Du lịch công đoàn Ninh Bình; Trung cấp nghề quốc tế, Trung cấp Kỹ thuật và tại chức Ninh Bình, Trung cấp nghề Nho Quan.
Đánh giá về Nghị quyết này, ông Nguyễn Văn Nhiu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình cho biết, khi Nghị quyết 28 của HĐND tỉnh quy định về mức hỗ trợ các đối tượng học nghề có hiệu lực, nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm đưa thông tin đến đông đảo các bậc phụ huynh và các em học sinh, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Theo phân bổ của tỉnh, nhà trường được hỗ trợ 100 chỉ tiêu cho năm học này. Sự quan tâm thiết thực của tỉnh đã mở thêm cơ hội học nghề cho nhiều em học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em kiến tạo tương lai, cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình. Với sự đồng hành tích cực của tỉnh, tin rằng công tác đào tạo nghề của trường nói riêng, của hệ thống các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nói chung sẽ có sự khởi sắc để cung cấp ra thị trường nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 36 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 25 cơ sở công lập và 11 cơ sở tư thục. Bao gồm: 5 trường cao đẳng (4 trường do các bộ quản lý, 1 trường do UBND tỉnh quản lý); 10 trường trung cấp (6 trường tư thục; 4 trường công lập); 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (10 trung tâm công lập, 2 trung tâm tư thục) và 9 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (6 cơ sở công lập, 3 cơ sở tư thục). Theo khảo sát, đến nay, tổng số cán bộ quản lý và giáo viên của các trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1.146 người. Hầu hết các cán bộ quản lý, giáo viên đều đạt chuẩn theo quy định. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo trình, giáo án... của các trường cao đẳng, trung cấp cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo của đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trang thiết bị lạc hậu chưa theo kịp với tiến bộ kỹ thuật hiện đại, cơ sở vật chất xuống cấp, chương trình, giáo trình chưa được thường xuyên cập nhật.
Ông Nguyễn Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, cùng với nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội thi giáo viên dạy nghề giỏi nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, ý nghĩa cho đội ngũ giáo viên dạy nghề. Thông qua hội thi các giáo viên có dịp giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo nghề. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng tham mưu cho UBND tỉnh phát động và tổ chức Hội thi tay nghề cấp tỉnh, từ đó chọn ra những thí sinh xuất sắc nhất tham gia đội tuyển tay nghề trẻ của tỉnh dự hội thi cấp toàn quốc, Asean và thế giới.
Đây cũng là giải pháp góp phần đẩy mạnh phong trào phát triển kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và các giá trị công việc, rèn luyện kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên; đào tạo nguồn nhân lực mới có tay nghề bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh. Các nhà trường cũng chủ động, linh hoạt và có nhiều đổi mới trong việc tìm ra hướng phát triển phù hợp vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa đảm bảo chắc chắn về việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức ngày hội việc làm nhằm tạo điều kiện cho học sinh- sinh viên vừa mới nhận bằng tốt nghiệp được gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội việc làm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Với cách làm này đã góp phần nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp lên đến trên 80%, tỷ lệ còn lại là những học sinh, sinh viên tự tạo việc làm tại quê hương.
Đào Hằng