Công ty TNHH REGIS, Cụm Công nghiệp Văn Phong (huyện Nho Quan) đi vào hoạt động từ năm 2017, với ngành nghề chính là sản xuất giày dép, xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước Châu Âu. Với sự phát triển không ngừng về quy mô sản xuất, hiện nay Công ty có nhu cầu sử dụng trên 2 nghìn lao động.
Để tuyển dụng đủ số lao động này, Công ty đã "nới" tiêu chuẩn về độ tuổi cho người tham gia tuyển dụng. Cụ thể, nếu như trước đây, yêu cầu tuyển dụng của Công ty phải là người lao động dưới 35 tuổi thì nay, điều kiện này đã được thay thế. Chỉ cần lao động đủ sức khỏe, có ý thức kỷ luật tốt và yêu nghề đều được Công ty đào tạo và bố trí việc làm. Sự thay đổi tích cực này đã mang lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Nho Quan.
Chị Nguyễn Thị Dung, xã Thượng Hòa (huyện Nho Quan) là một trong nhiều lao động trên tuổi 35 đang làm việc tại Công ty REGIS. Với sự cần mẫn, chăm chỉ, ham học hỏi, nên mặc dù đã bước vào tuổi 40, chị Dung vẫn đạt trình độ tay nghề khá, với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng. Chị Dung cho biết: Trước đây, tôi rất vất vả khi đi tìm việc làm trong các doanh nghiệp, bởi hầu hết các doanh nghiệp đều từ chối tuyển dụng lao động sau tuổi 35. Khi tìm được cơ hội việc làm tại Công ty, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc để đảm bảo vững chắc vị trí việc làm của mình, góp phần ổn định cuộc sống.
Đối với công ty TNHH May Việt Anh, việc đặt các xưởng may vệ tinh tại xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn) là một sự tính toán rất thông minh nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm lao động như hiện nay.
Bà Thu Hạnh, Quản lý Công ty cho biết: Hiện nay, công ty đang tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương, trong đó có nhiều lao động ngoài tuổi 35 - đối tượng vốn rất khó tìm được việc làm tại các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, tay nghề của những lao động này khá ổn định, thêm vào đó ý thức kỷ luật lại rất tốt, ham học hỏi. Chúng tôi rất hài lòng về nguồn nhân lực này. Nếu làm việc chăm chỉ, mỗi tháng người lao động cũng có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người.
Là một trong hàng trăm lao động của xã làm việc tại Công ty TNHH May Việt Anh, cô Lê Thị Nguyệt cho biết, từ năm 2006, phần lớn diện tích ruộng của gia đình bị thu hồi để phục vụ dự án phát triển Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính. Cũng như hơn 70% số gia đình có diện tích thu hồi đất trong xã, gia đình cô không khỏi băn khoăn, lo lắng vì không biết sẽ làm gì để mưu sinh.
Được sự tư vấn của địa phương, cô Nguyệt đi học nghề may và hiện đang làm việc tại Công ty TNHH May Việt Anh. "Ở mỗi công đoạn sẽ cần lao động có tay nghề nhất định. Tôi không còn trẻ, nhanh nhẹn như các lao động trẻ nên được bố trí vào những khâu đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì như bộ phận là hơi, cắt chỉ.... Được làm việc gần nhà với mức thu nhập ổn định, đời sống của chúng tôi được cải thiện nhiều"- cô Nguyệt chia sẻ.
Ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Sinh cho biết: Gia Sinh vốn là xã thuần nông và là một trong những địa phương nghèo nhất của huyện Gia Viễn với tỷ lệ hộ nghèo có năm lên tới trên 16%. Bởi vậy khi bị thu hồi tới trên 70% diện tích đất nông nghiệp phục vụ dự án, chính quyền và nhân dân trong xã không tránh khỏi băn khoăn trước bài toán việc làm cho người dân, đặc biệt là đối với những lao động ngoài tuổi 35- độ tuổi không nằm trong khung tuyển dụng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, gần đây đã có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc về "đứng chân" trên địa bàn xã. UBND xã đã phối hợp với các đoàn thể, với doanh nghiệp tổ chức lớp dạy nghề may công nghiệp cho người lao động để họ có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài xã. Đến nay, gần 1000 lao động đang làm việc tại các công ty với mức lương ổn định. Đặc biệt, trong đó có rất nhiều lao động trên độ tuổi 35.
Theo lãnh đạo phòng Lao động, Việc làm, Bảo hiểm xã hội- Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đa phần số công nhân được tuyển dụng vào làm việc tại KCN, nhà máy khi tuổi đời còn rất trẻ và được đào tạo ngắn hạn chỉ để đảm nhiệm một công đoạn trong quá trình hoàn thành sản phẩm. Với nhiều doanh nghiệp, khi sử dụng lực lượng lao động trẻ này sẽ tiết giảm được nhiều chi phí. Ngoài việc không phải trả lương cao, đóng BHXH thấp, lại có thể tận dụng được cường độ lao động cao.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thực hiện việc "đào thải" người lao động sau tuổi 35, đẩy số lao động này vào tình trạng thất nghiệp, thị trường lao động ngày càng bị mất cân đối. Bị thất nghiệp, công nhân ở độ tuổi sau 35 rất khó xin việc ở nơi khác và việc học nghề để có một công việc ổn định lại càng khó khăn hơn… Vì vậy trên thực tế, có rất nhiều chị em cùng chung hoàn cảnh thất nghiệp sau một thời gian dài làm việc tại doanh nghiệp mặc dù họ đang trong độ tuổi "vàng" lao động: vừa có tay nghề, kinh nghiệm và tác phong.
Ông Phạm Văn Duân, Chủ tịch Công đoàn Công ty REGIS cho biết: Hiện tại, ở doanh nghiệp chúng tôi, đa số lao động ở đây là nữ và nằm trong khung độ tuổi từ 18-42. Nếu so sánh lao động trẻ và lao động ngoài tuổi 35 thì không có sự khác biệt về chất lượng lao động. Không bàn đến những lý do có sự tính toán kỹ hơn về lợi ích cho doanh nghiệp, nhưng việc sa thải lao động khi họ đang ở độ tuổi "chín" nhất về cả tay nghề lẫn ý thức, tác phong làm việc thì đó là sự lãng phí lớn. Lao động nông thôn đang là nguồn cung cấp nhân lực dồi dào cho các khu công nghiệp.
Theo bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, là địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi rất lớn để phục vụ cho các dự án phát triển KCN, CCN, vấn đề tạo việc làm cho người lao động được huyện Gia Viễn quan tâm hàng đầu, coi đây là "nút thắt" trong đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Bởi vậy, các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án trên địa bàn theo quy hoạch đều phải thực hiện cam kết ưu tiên tạo việc làm cho lao động địa phương, trong đó phải duy trì việc làm phù hợp cho người lao động khi họ ngoài tuổi 35, tránh tình trạng "vắt chanh, bỏ vỏ" như đã từng xảy ra.
Bài, ảnh: Đào Hằng