Trung tâm Thiên thần nhỏ có trụ sở chính tại phường Nam Bình. Khi chúng tôi đến vào khoảng 9 giờ, lúc này phía trước cửa trung tâm đã có một vài phụ huynh ngồi đó chờ. Mỗi người một dáng vẻ, song tựu chung ở họ dường như luôn phảng phất nỗi buồn trên gương mặt... Chị Lã Thị Đua, người Quản lý trung tâm Thiên thần nhỏ Ninh Bình cho biết: "Đấy là một số chị có con can thiệp theo ca, đang ngồi để chờ hết giờ đón các con về...". Chúng tôi bắt chuyện làm quen với các chị, nhưng khi biết chúng tôi là nhà báo, nhiều chị "tản" đi nơi khác. Một phần có lẽ vì không quen đứng trước ống kính nhưng phần nhiều là do tâm lý tự ti, không muốn nhiều người biết về chứng bệnh của con mình (-PV).
Sau một hồi trò chuyện, thuyết phục, cuối cùng chúng tôi cũng đã nhận được sự sẻ chia của một số phụ huynh, bởi với họ tìm được sự đồng cảm không phải là dễ... Chị Đỗ Thị Huyền quê ở Mỹ Hào (Hưng Yên) giãi bày: Khi con trai được 3 tuổi, tôi nhận thấy ở cháu có nhiều điểm khác lạ, như: ít nói, không tập trung lắng nghe bố mẹ hay ai đó nói chuyện với mình, không làm theo được những lời dạy bảo của cha mẹ...
Nhìn chung, khả năng nghe và nói của cháu đều kém so với các bạn cùng lứa tuổi. Thấy vậy, hai vợ chồng quyết định cho con lên Viện Nhi Trung ương khám, các bác sĩ kết luận cháu bị rối loạn ngôn ngữ- một trong những thể của chứng tự kỷ.
Nói thật, khi nghe kết luận của bác sĩ, mọi thứ dưới chân tôi như muốn sụp đổ, đó là cảm giác hoang mang, lo lắng và tuyệt vọng. Nhưng rồi các bác sĩ nói rằng, tôi vẫn còn có cơ hội giúp con hòa nhập cộng đồng, vì vậy tôi vững tin hơn.
Tôi thường xuyên lên mạng tìm hiểu để có thêm kiến thức nuôi dạy cháu tốt hơn, đồng thời lựa chọn trường lớp cho con mình theo học. Trong 1 năm, tôi đã cùng con trai chuyển không biết bao nhiêu trường, lớp vì thực sự ở những lớp học mầm non bình thường không có chỗ dành cho trẻ có yêu cầu chuyên biệt cho trẻ tự kỷ.
Tôi đã từng đưa con đến Khoái Châu (cách nhà chừng 25km) để học lớp trị liệu cho các bé tự kỷ, song sự tiến bộ của cháu là không đáng kể. Trong một lần tình cờ tôi gặp một người quen, chị cùng quê và cũng có con đang theo học ở Trung tâm Thiên thần nhỏ giới thiệu, tôi đã quyết định lặn lội từ Hưng Yên sang Ninh Bình cho cháu theo học.
Đến nay, sau 5 tháng học bán trú tại Trung tâm, con tôi đã tiến bộ hơn rất nhiều: cháu đã nói rõ ràng hơn và chủ động trong các tình huống ứng xử. Nhưng vẫn rất nhạy cảm với âm thanh, không tự tin khi giao tiếp với người lạ, chỉ ăn được khoai tây và trứng...
Chung hoàn cảnh như chị Huyền, chị Phạm Thị T quê ở Yên Lâm (Yên Mô) phát hiện ra con trai đầu lòng Nguyễn Bảo Ng của mình bị chứng tự kỷ khi cháu lên 3 tuổi. Đó là lúc chị cho con đi học mẫu giáo ở trường làng, khi ấy cháu liên tục phá đồ trên lớp, la hét, không chịu nghe lời bất kỳ ai.
Đưa con vào trường mẫu giáo, cô giáo luôn than phiền vì khiến lớp mất trật tự, ảnh hưởng đến việc học của trẻ khác. "Có nỗi đau nào hơn khi bao nhiêu yêu thương, hi vọng dành cho con trai đầu lòng nhưng con nhìn thấy bố mẹ không vui cũng chẳng buồn, không nghe lời, chỉ thích chơi và phá phách một mình"- chị T rớm lệ.
Đưa con đi khám, chị T được các bác sĩ cho biết cháu bị chậm phát triển trí tuệ và tư vấn nên tìm trường chuyên biệt cho con theo học. Song vì ở quê không có trường chuyên biệt nên chị đành đưa con về nhà để tự dạy dỗ, chăm sóc. Bây giờ Nguyễn Bảo Ng đã lên 5, nhưng gần như không nhận thức được hành động của mình cũng như hành động của những người chung quanh.
Đầu tháng 4/2016, được người quen giới thiệu đến Trung tâm Thiên thần nhỏ Ninh Bình và chị T đã cho con theo học. Ngày mưa cũng như ngày nắng, chị đều cần mẫn chở con đến Trung tâm với hi vọng con mình phát triển bình thường. Để có tiền cho con trị liệu cũng như trang trải cuộc sống gia đình, chồng chị làm thợ xây liên tục tối ngày, ốm chẳng dám nghỉ. Còn chị, hàng ngày mang theo cói để trong lúc chờ đón con về thì đan bện những chiếc lồng mỹ nghệ.
Chị T bảo: May thay, ở gần Trung tâm Thiên thần nhỏ có vợ chồng bác hàng xóm tốt bụng đã cho chị và một số người thu mua đồng nát được ngồi nhờ đan lát, nghỉ qua trưa, việc làm thêm của chị cũng vơi bớt nhọc nhằn. Mỗi ngày, làm cật lực chị cũng kiếm thêm được 20.000 đồng, coi như đủ tiền xăng xe cho hai mẹ con...
Chị T dáng người nhỏ thó, gầy guộc và khắc khổ. Kể về con mình, đôi mắt chị đượm buồn, chị nói: Tôi chỉ mong sao bệnh tình của con thuyên giảm, còn khó khăn đến mấy vợ chồng tôi cũng cố vượt qua. Cũng theo chị T, khi có con là trẻ tự kỷ điều mà chị cảm giác khó khăn nhất chính là thái độ kỳ thị của một số người xung quanh.
Trong khi đó, hiện nay chưa có trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ của Nhà nước mà chỉ có các trung tâm tư nhân, do vậy chi phí học tập của trẻ tự kỷ ở mức khá cao. Vì vậy, chị mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm để trẻ tự kỷ được học tập, giáo dục trong môi trường tốt nhằm hòa nhập cộng đồng.
Theo chị Lã Thị Đua, Quản lý Trung tâm Thiên thần nhỏ: Dạy trẻ tự kỷ là một hành trình đầy khó khăn, phức tạp. Các triệu chứng rối loạn của trẻ tự kỷ thường rất phức tạp, muôn hình muôn vẻ nên muốn các cháu hòa nhập cộng đồng thì cần có môi trường chuyên biệt và ở đó ngoài sự trợ giúp của các chuyên gia thì luôn cần sự cố gắng nỗ lực của các bậc phụ huynh mà đặc biệt là cần cái nhìn đúng đắn, cảm thông của cộng đồng.
Giống như tất cả mọi người, những trẻ mắc bệnh tự kỷ cũng có một quãng đường đời phía trước để lớn lên và phát triển những khả năng của mình. Giúp các con hòa nhập cộng đồng và luôn coi các bé tự kỷ là những thiên thần nhỏ cần được chở che, yêu thương và nuôi dưỡng là mục tiêu lớn nhất mà Trung tâm Thiên thần nhỏ hướng đến.
Để giúp đỡ trẻ bị tự kỷ có thể hòa nhập được với cộng đồng, Trung tâm đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, tư vấn, đào tạo và can thiệp cho các cháu tốt hơn. Hiện nay ở Trung tâm có 13 phòng can thiệp cá nhân, 4 phòng bán trú, 1 phòng tâm vận động, 1 phòng hành chính y tế, 1 phòng bếp, 1 phòng ăn.
Tại đây, trẻ có nhu cầu đặc biệt sẽ được nuôi dưỡng, trị liệu theo các hình thức như: can thiệp theo ca, can thiệp bán trú, dạy kĩ năng giao tiếp và lớp Tiếng Anh giao tiếp. Sau 5 năm chính thức đi vào hoạt động (2010-2015), Trung tâm Thiên thần nhỏ đã đón 141 học sinh đến theo học, trong đó có 51 học sinh ra trường.
Gặp gỡ, trò chuyện với một số phụ huynh có con bị mắc chứng tự kỷ, điều đọng lại trong chúng tôi là sự cảm phục về tinh thần vượt khó và sự nuôi dưỡng hi vọng về tương lai của những đứa trẻ - người mà trong mắt cha mẹ luôn là những thiên thần nhỏ.
Với mỗi một phụ huynh có con theo học ở Trung tâm Thiên thần nhỏ thì mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày thêm hi vọng, bởi ở đó các chuyên gia đã giúp con tiến bộ, thắp lên niềm tin để họ tiếp tục hành trình dài phía trước.
Còn với riêng tôi, tôi luôn tin rằng, công lao của các ông bố, bà mẹ ấy chắc chắn sẽ sớm được đền đáp. Cầu chúc cho họ có một sức khỏe dẻo dai, bền bỉ để cuộc hành trình tìm sự hòa nhập cho con vơi bớt khó khăn và những đứa trẻ tự kỷ sẽ khôn lớn, trưởng thành...
Bài, ảnh: Mai Lan