Thấu hiểu được điều đó, nhiều năm qua, chính quyền thành phố Ninh Bình đã có nhiều việc làm thiết thực để cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố chung tay xoa dịu nỗi đau da cam"- Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Ninh Bình đã chia sẻ với chúng tôi như vậy khi nói về đời sống của những nạn nhân chất độc da cam và hoạt động của Hội trong thời gian qua.
Ông Hồng cho biết: Năm 2007, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Ninh Bình được thành lập. Ngay sau khi được thành lập, một trong những việc làm mà Hội đặt ra, đó là phải giúp hội viên, nạn nhân vươn lên thoát nghèo bền vững. Do vậy, năm 2009, căn cứ vào tình hình thực tế và nhiệm vụ chung của thành phố là xây dựng thành phố Ninh Bình trở thành địa phương "văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp", Hội đã xây dựng đề án "Trang trại xanh" nhằm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên và nạn nhân. Sau khi Đề án được UBND thành phố phê duyệt, Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) đã tài trợ cho Đề án. Theo đó, Hội đã tổ chức 1 lớp dạy nghề trồng hoa lan, hoa ly và các loại hoa khác cho 48 người; tổ chức lớp dạy nghề trồng rau sạch và nấm các loại cho 20 người. Kết thúc Đề án, đã có hàng chục gia đình hội viên và nạn nhân có kinh nghiệm và đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và xóa xong hộ nghèo. Nhiều gia đình nạn nhân sau khi được học nghề đã áp dụng thành công và vươn lên trở thành hộ khá, giàu, không chỉ tạo việc làm cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác ở địa phương. Điển hình là gia đình ông Trịnh Văn Điền, ông Đoàn Văn Phương...
Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Ninh Bình luôn được đánh giá là một trong những cơ sở Hội vững mạnh của tỉnh. Liên tục từ năm 2007-2010, Hội vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen; 9 năm liền (2007-2015) được UBND thành phố tặng giấy khen và 5 năm liên tục (2011-2015) được nhận giấy khen của Tỉnh hội. Hiện nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Ninh Bình có 622 hội viên đại diện cho 803 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 235 nạn nhân gián tiếp. Hơn 9 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố đã tích cực huy động các nguồn lực nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân. Phong trào thi đua "Vì nạn nhân chất độc da cam" được phát động thường xuyên, liên tục, qua đó góp phần quan trọng kết nối cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm cùng "chung tay xoa dịu nỗi đau da cam". Với phương châm "giúp nạn nhân đúng địa chỉ", Hội đã là cầu nối, đưa các nhà tài trợ trực tiếp đi thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân vào các dịp lễ, Tết hoặc trợ cấp những hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Nhiều doanh nghiệp, công ty đã trở thành những người bạn đồng hành cùng với tổ chức Hội quan tâm chăm lo đời sống cho hội viên, nạn nhân. Tiêu biểu như công ty giấy vở Hồng Điệp; doanh nghiệp xây dựng Việt Thành; Ngân hàng MB quân đội; nhà máy điện Ninh Bình; Chi cục thuế thành phố; Sư đoàn 350; chi nhánh xăng dầu Ninh Khánh...
Bằng nhiều việc làm thiết thực, hơn 9 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Ninh Bình đã vận động và tiếp nhận trên 4 tỷ đồng, đã chăm sóc giúp đỡ cho 7.813 lượt gia đình nạn nhân, trong đó: hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở cho 23 gia đình nạn nhân; tặng 82 chiếc xe lăn; hỗ trợ vốn và đào tạo nghề cho 71 nạn nhân; trao 3 suất học bổng cho con em các gia đình nạn nhân cùng hàng nghìn suất quà đã được chuyển đến các gia đình vào dịp lễ, Tết và ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8) hàng năm. Cùng với đó, các chi hội đã vận động hội viên tự nguyện xây dựng Quỹ tình nghĩa để thăm hỏi, động viên và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Đến nay, tổng số tiền Quỹ tình nghĩa đã đạt 224 triệu đồng.
Những ngày đầu tháng 8, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thảm họa Da cam Việt Nam (10/8/1961- 10/8/2016), chúng tôi có dịp cùng lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Ninh Bình đến thăm, tặng quà các gia đình nạn nhân hiện đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Gặp họ và lắng nghe chia sẻ về những nỗi đau da cam mà các nạn nhân đang phải gánh chịu, chúng tôi hiểu hơn phần nào về những mất mát, đau thương mà họ và gia đình đã, đang phải trải qua. Thật khó có giấy mực nào có thể diễn tả hết những đau thương ấy. Ông Lê Duy Chiến, một nạn nhân da cam ở phường Thanh Bình chia sẻ: Đau lắm, thương lắm khi hàng ngày phải đối diện với người con của mình bị tật nguyền vì phơi nhiễm chất độc da cam. Giá mà tôi có thể chịu thay cho nó. Giá mà, giá mà.... Ông Chiến nói mà như khóc. Nước mắt cứ như muốn ứa ra khi ông kể về người con trai duy nhất của mình. Ông Chiến cho biết: năm 1966, ông nhập ngũ, làm chiến sĩ thông tin ở Đoàn 2025. Sau một thời gian được huấn luyện, năm 1968 ông cùng đồng đội trực tiếp tham gia chiến đấu ở các chiến trường Nam Lào và chiến trường miền Tây. Những năm tháng ấy, chất độc da cam đã ngấm vào máu, vào xương tủy của ông và nhiều đồng đội mà họ không hề hay biết. Ông Chiến nhớ lại: Hồi đó, khắp các cánh rừng nơi mà đơn vị chiến đấu, hàng nghìn ha cây cối với những thân cây gỗ to chừng 2-3 người ôm đều chết trắng từ gốc đến ngọn. Các chiến sĩ của ta cũng "lờ mờ" hiểu ra được có cái gì đó bất ổn! Nhưng tinh thần chiến đấu xả thân vì nước đã không cho phép họ có một phút giây suy nghĩ, đắn đo...
Năm 1976, ông Chiến phục viên, trở về quê và mãi đến năm 1983 ông mới lập gia đình. Năm 1986, ông bà sinh hạ được người con trai, nhưng không may bị tật nguyền, mãi sau này ông bà mới biết đó là do di chứng của chất độc da cam- chất độc đã làm hàng nghìn ha rừng bị hủy hoại trắng xóa.
Trong các cuộc trò chuyện với ông Chiến và một số nạn nhân chất độc da cam đang sinh sống trên địa bàn thành phố, điều mà chúng tôi cảm phục, đó là tinh thần và nghị lực vượt lên chính mình để chủ động hòa nhập với cộng đồng. Có lẽ chính vì vậy mà ở họ luôn nhận được sự cảm thông và chia sẻ nhiều hơn. Song, theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Ninh Bình: trên thực tế, vẫn chưa thể bù đắp hết và kịp thời những hy sinh, mất mát to lớn, cũng như những khó khăn của các gia đình nạn nhân. Qua khảo sát trên địa bàn thành phố hiện còn 2.940 người bị phơi nhiễm chất độc da cam chưa được hưởng chế độ. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu các giấy tờ liên quan đến hồ sơ để đề nghị xét hưởng chế độ. Điều này đặt ra cho tổ chức Hội phải làm việc nhiều hơn nữa, tích cực hơn trong việc cùng các cấp, ngành tham gia giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Mai Lan