Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 3 trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô với quy mô lớn, sản xuất các loại xe thông dụng, sản lượng và doanh thu hàng năm cao là Tập đoàn Trường Hải tại tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Thành Công tại tỉnh Ninh Bình, Tập đoàn Vingroup tại thành phố Hải Phòng.
Tại tỉnh Ninh Bình, ngay từ năm 2007, tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện cho Tập đoàn Thành Công triển khai dự án đầu tiên là xây dựng Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô tải, xe bán tải, xe khách, xe bus và các loại xe chuyên dùng với tổng mức đầu tư đăng ký là 300 tỷ đồng.
Đến nay, Tập đoàn Thành Công đã triển khai 5 dự án sản xuất, lắp ráp ô tô và cung cấp dịch vụ, được bố trí tại KCN Gián Khẩu (huyện Gia Viễn), có tổng công suất sản xuất, lắp ráp ô tô là 53.000 xe/năm. Với tổng mức đầu tư đăng ký là 7.720 tỷ đồng; diện tích đất sử dụng là 66ha.
Trải qua quá trình hơn 10 năm đầu tư xây dựng tại Ninh Bình, Tập đoàn Thành Công đã có những đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, với lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất, lắp ráp, phân phối các sản phẩm ô tô, bao gồm xe du lịch và xe thương mại...
Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, năm 2017, sản lượng ô tô của Tập đoàn đạt hơn 18.900 chiếc, doanh thu đạt 5.068 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 3.040 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu của Tập đoàn đạt 13.800 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng cả năm đạt trên 55.000 chiếc, nộp ngân sách 7.600 tỷ đồng. Tập đoàn đã sử dụng 3.900 lao động với mức lương bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Thông qua con số bán lẻ xe du lịch năm 2018 của toàn hệ thống trong Tập đoàn Thành Công là 55.994 xe (tăng 82% so với năm 2017), chiếm 23% thị phần và đứng thứ 2 toàn thị trường ô tô có thể thấy sức tăng trưởng lớn mạnh của ngành công nghiệp ô tô nói chung và Tập đoàn Thành Công nói riêng.
Ngoài ra, trong năm 2018, Tập đoàn cũng mở rộng hệ thống đại lý, tăng tổng số đại lý ủy quyền lên 73 đại lý trên toàn quốc cũng như liên tục có những hoạt động để nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng. Doanh thu dịch vụ tăng trưởng đáng kể, số lượt xe dịch vụ đạt 386.199 lượt, tăng 105% và doanh thu dịch vụ đạt 1.094 tỷ đồng, tăng 127% so với kế hoạch.
Về xe thương mại, mặc dù liên doanh phân phối xe thương mại với Hyundai Motor Company mới được thành lập vào cuối năm 2017, nhưng doanh số bán lẻ năm 2018 của toàn hệ thống cũng đã đạt 7.532 xe. Số đại lý cũng tăng lên tới 36 đại lý và đạt doanh số phụ tùng khá cao. Tập đoàn Thành Công đang đẩy mạnh các hoạt động phân phối và sản xuất xe thương mại tại Việt Nam để gia tăng thị phần, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp Việt Nam.
Sự tăng trưởng của Tập đoàn Thành Công tại Ninh Bình đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Tập đoàn Thành Công có tổng nhân sự trực tiếp là 5.404 người, tăng 40% so với năm 2017. Năm 2018, Tập đoàn đã đóng góp 7.408 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, tăng 74% so với năm 2017.
Mặc dù tỉnh Ninh Bình đã tạo nhiều điều kiện ưu đãi trong chính sách thu hút đầu tư đối với ngành công nghiệp ô tô, tuy nhiên, các dự án của Tập đoàn Thành Công được tập trung tại KCN Gián Khẩu, đây là KCN được đầu tư xây dựng hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách. Do nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế nên hạ tầng KCN chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng tốt cho hoạt động của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, diện tích đất KCN Gián Khẩu nhỏ, hiện tại đã lấp đầy toàn bộ, vì vậy khó khăn trong việc mở rộng sản xuất của Nhà máy ô tô Thành Công. Mặc dù tỉnh đã ưu tiên hỗ trợ, triển khai xây dựng hạ tầng mở rộng 50ha KCN Gián Khẩu bằng nguồn vốn ngân sách, tuy nhiên so với nhu cầu thực tiễn vẫn chưa đáp ứng được.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, ngành công nghiệp ô tô của tỉnh còn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ nội địa hóa còn thấp; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung cấp chủ yếu là sản phẩm phụ: săm, lốp, dây điện, sơn và một số đồ nhựa nội thất, các bộ phận chính như động cơ và chi tiết động cơ, hệ thống truyền lực xe, khung thân vỏ, cửa xe, hệ thống phanh... hiện vẫn phải nhập khẩu.
Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nói chung và đối với tỉnh nói riêng còn gặp khó khăn về khả năng cạnh tranh của xe sản xuất trong nước với xe nhập khẩu. Hiện nay, các sản phẩm ô tô lắp ráp trong nước đang thiếu đi sự cạnh tranh về giá thành so với các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN. Do một số nguyên nhân, nhưng chủ yếu là sự chênh lệch các loại chi phí cấu thành giá sản phẩm, thuế, phí giữa xe nhập khẩu từ ASEAN và xe sản xuất trong nước.
Tỉnh Ninh Bình xác định phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ là mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp cũng như phát triển kinh tế của tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020.
Tăng cường thu hút và phát huy hiệu quả các dự án sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp; nhất là các dự án thuộc ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Bình.
Chú trọng đổi mới trong công tác xúc tiến, đẩy mạnh thu hút, ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông... Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với huy động đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các thành phần kinh tế.
Tập trung nguồn vốn ngân sách Nhà nước để xây dựng hạ tầng KCN Gián Khẩu và khu 50 ha mở rộng KCN Gián Khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô của Tập đoàn Thành Công, hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp Cầu Yên và một số cụm công nghiệp khác để thu hút các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Nguyễn Thơm