Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi vàng cán mốc 49,1 triệu đồng/lượng, nhiều cửa hàng giao dịch không còn vàng để bán. Một chủ cửa hàng vàng cho biết: Khi vàng tăng mức kỷ lục số lượng người đến mua tăng đáng kể, chúng tôi không kịp nhập vàng để bán, nhất là vàng miếng SJC… Nhiều người đồn đoán, giá vàng còn "leo" cao hơn nữa, nên vội vã huy động tiền đi mua vàng tích trữ. Bác Lan (thành phố Ninh Bình) cho hay: "Giá vàng lên cao nên cũng sốt ruột rút hết tiền tiết kiệm đi mua để tích trữ". Tại cửa hàng vàng Kim Thành, chúng tôi gặp chị Hương (phường Nam Bình), chị cho biết: Chị có hơn 300 triệu đồng cho vay lãi, nhưng trước sức nóng của giá vàng chị đi rút tất cả để đổ vào vàng. Chị Hương cho rằng: "So với cho vay lãi, mua vàng vẫn có giá trị hơn. Mua giá 49,2 triệu đồng/lượng, chị đợi thêm vài tháng nữa giá vàng lên cao thì bán chốt lời, biết đâu lãi cả trăm triệu, so với cho vay lãi thì mua vàng "ăn" nhanh hơn".
Vàng tăng giá đã khiến cho các kênh đầu tư khác bị lu mờ. Một cán bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Vàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và hữu hiệu nhất hiện nay, nếu để tích trữ thì tốt nhất người dân nên mua vàng. Tuy nhiên, ông cũng khuyên rằng, người dân không nên đổ xô đi mua vàng theo kiểu tâm lý đám đông, điều này dễ dẫn đến mua phải giá ảo. Hãy chờ đợi thời điểm ổn định nhất để mua vào.
Trước quan điểm thị trường vàng đang sốt ảo, ông Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Việc thị trường vàng tăng, giảm liên tục trong thời gian vừa qua chỉ phán ánh bản chất của thị trường. Thị trường vàng trong nước đã đi đúng quy luật chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới cũng như nhu cầu của người dân. Nhà nước cũng khó có thể dùng biện pháp bình ổn để buộc giá vàng đi xuống mà chỉ nên có những biện pháp mạnh nhằm tránh sự đầu cơ, làm giá gây tổn hại cho người dân.
Bảo Yến