Giá xăng tăng tới mức kỷ lục từ trước tới nay (31%), giá dầu tăng 15% làm các doanh nghiệp vận tải ôtô phải tính đến việc tăng giá cước vận chuyển. Ngày 1-8, giá cước vận tải hành khách tại một số tuyến miền Bắc đã chính thức tăng lên với mức từ 8-10%.
Ngày 10-8, được sự đồng ý của Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Cục Thuế tỉnh, các doanh nghiệp vận tải ôtô trên địa bàn Ninh Bình đã điều chỉnh giá vé hành khách trên một số tuyến chính, với mức tăng từ 7-10%, cụ thể tuyến Ninh Bình - Hà Nội tăng từ 43.000 đồng lên 45.000 đồng...
Theo các doanh nghiệp vận tải, việc tăng giá vé hành khách là điều bất khả kháng nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp bù được phần lỗ nhiên liệu, phụ tùng nhưng khách hàng vẫn chấp nhận được. Tăng giá cước vận tải hành khách, các doanh nghiệp cũng phải "đối mặt" với việc lượng hành khách có thể giảm. Công ty cổ phần vận tải ôtô Minh Long là một trong các công ty vận tải lớn trên địa bàn, chi phí xăng dầu chiếm gần 50% chi phí vận chuyển.
Trao đổi với ông Phạm Minh Long, Giám đốc Công ty: Việc tăng giá xăng, dầu làm cho Công ty gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, Công ty có hơn 20 xe với 16 chuyến đi, 16 chuyến về mỗi ngày và các xe chạy hợp đồng. Giá xăng tăng lên 4.500 đồng, giá dầu tăng 2.000 đồng, Công ty phải bù lỗ khoảng 15% chi phí so với mức giá cũ. Với mỗi chuyến xe khách (25 chỗ ngồi) đi từ Ninh Bình đến Hà Nội và ngược lại, Công ty mất khoảng 34 lít dầu, đồng nghĩa với việc Công ty phải tăng thêm một khoản chi phí gần 70.000 đồng. Mỗi ngày16 chuyến đi, về và các chuyến xe hợp đồng, Công ty phải chi phí thêm trên 1,5 triệu đồng/ngày.
Ông Long cũng cho biết: Mấy tháng nay Công ty phải hoạt động cầm chừng. Giá nhiên liệu tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận tải mà còn ảnh hưởng đến các chi phí khác như: Vật tư, phụ tùng, săm lốp và thay thế, sửa chữa cũng tăng theo. Giá nhiên liệu tăng cao, nhưng phụ tùng linh kiện còn tăng cao hơn (tăng 30 - 40%). Ngoài sức ép trực tiếp và gián tiếp của giá xăng, dầu thì Công ty còn phải gánh chịu chi phí hai đầu bến bãi, lãi suất ngân hàng liên tục biến động. Giá cả tăng, Công ty phải cân nhắc đến việc tăng lương cho cán bộ công nhân viên. Trong thời gian qua, để khắc phục khó khăn nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng và uy tín, công ty đã thực hiện cắt giảm chi tiêu, thực hành tiết kiệm như: Cắt giảm tối đa điện, nước, không để thất thoát, đồng thời tiến hành giảm những nhân sự hoạt động không hiệu quả.
Trước biến động của giá xăng, dầu và những khó khăn gặp phải, 3 doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn là Công ty cổ phần vận tải ôtô Ninh Bình, Công ty cổ phần vận tải ô tô Minh Long và Công ty vận tải ô tô Cát Lợi (là đơn vị chạy đối lưu) đã tiến hành hiệp thương và thống nhất điều chỉnh giá cước với mức tăng không quá 10%. Các doanh nghiệp đã tiến hành các thủ tục xin tăng giá, niêm yết giá và chính thức thực hiện việc tăng giá từ ngày 10-8.
Việc tăng giá xăng, dầu không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải hành khách mà hoạt động của các hãng taxi trên địa bàn cũng đang gặp không ít khó khăn.
Sau khi giá xăng, dầu tăng không lâu, các hãng taxi lớn của Ninh Bình (Mai Linh, Tràng An, Hoa Lư, Ninh Bình, Minh Long) đã đồng loạt tăng giá từ 13-20%. Công ty TNHH MTV Mai Linh - Ninh Bình đã đi vào hoạt động được 6 tháng, đến nay Công ty có 30 xe taxi với ba dòng xe (DEAWOO MATIZ, TOYOTA VIOS, TOYOTA INNOVA).
Theo ông Bùi Đức Cường, Giám đốc Công ty cho biết, sau sự kiện tăng giá nhiên liệu, ngày 24-7 Công ty đã thực hiện tăng giá đợt một theo sự điều chỉnh giá cước của Tập đoàn taxi Mai Linh. Tuy nhiên, sau hơn một tuần lượng khách đi taxi đã giảm 20%. Ngày 3-8, Công ty điều chỉnh giảm giá xuống còn 17% nhằm mục đích giữ khách hàng, phù hợp với nhu cầu và túi tiền của khách hàng.
Đối với taxi Minh Long, hiện tại hãng có 30 xe taxi (hai dòng xe là KIA MATIZ và TOYOTA VIOS). Hãng đã phải điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển từ ngày 1-8 với mức tăng 13%. So với các hãng taxi lớn trong tỉnh thì hãng Minh Long có mức tăng giá thấp nhất.
Giá xăng, dầu tăng cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải ôtô mà còn ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách. Hành khách sẽ phải đắn đo hơn khi lựa chọn loại phương tiện, doanh nghiệp vận tải khi tham gia giao thông.
Hương Giang