Theo đánh giá của đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương: Thời gian qua, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình được quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh xác định ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và công nghiệp hỗ trợ là những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế, góp phần vào tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp. Do đó, tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, tạo nhiều điều kiện thuận lợi về các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng,...
Tỉnh đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Thành Công chuyển đổi, nâng công suất Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại KCN Gián Khẩu lên 80.000 xe/năm và xây dựng mới Nhà máy số 2 công suất 100.000 xe/năm tại KCN Gián Khẩu 50 ha mở rộng. Đối với công nghiệp phụ trợ, tỉnh đã thu hút và tạo điều kiện để xây dựng Nhà máy sản xuất camera modul và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina tại KCN Phúc Sơn, công suất thiết kế là 150 triệu sản phẩm camera modul cho điện thoại và mở rộng sản xuất tạo thêm nhiều sản phẩm mới với công suất 3 triệu camera modul cho ô tô, 96 triệu sản phẩm nút home điện thoại; Dự án Nhà máy kính nổi CFG Ninh Bình công suất 1.200 tấn/ngày của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long tại KCN Khánh Cư; Dự án Nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô của Công ty Cổ phần Sejung (công suất 570.500 sản phẩm/năm) tại CCN Cầu Yên... và các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành này.
Một số sản phẩm chủ yếu trong giai đoạn 2016 - 2020 có mức tăng trưởng khá là: sản lượng ô tô năm 2020 ước đạt 75.000 xe, tăng gấp 11 lần so với năm 2016, tăng bình quân 87,2%/năm; sản lượng camera modul năm 2020 ước đạt 150 triệu sản phẩm, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2016, tăng bình quân 23,6%/năm; linh kiện điện tử năm 2020 ước đạt 250 triệu sản phẩm, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2016...
Để có được kết quả này, Sở Công Thương đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 13/2/2017 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh và Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 13/2/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó mục tiêu chung là đưa tỉnh Ninh Bình có nhà máy sản xuất ô tô Huyndai số một tại khu vực Đông Nam á, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường trong nước đồng thời xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.
Cùng với đó, Sở Công Thương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật có liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thường xuyên đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật mới của Chính phủ, các bộ, ngành và viết tin, bài giới thiệu về các hoạt động liên quan đến công nghiệp hỗ trợ trên Website và bản tin của Sở; tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình đến năm 2025; ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc cấp Giấy xác nhận ưu đãi đối với dự án thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển...
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Bước vào giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển doanh nghiệp và các chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh phát triển, nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu. Bên cạnh đó, tập trung các nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thành một trong các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh, trong đó đặc biệt ưu tiên thu hút vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và điện tử.
Ngành Công Thương cũng đang tập trung vào các hoạt động chính như: Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; xây dựng và tổ chức chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và ngoài nước.
Đối với doanh nghiệp, ngành Công Thương đã xây dựng kế hoạch để hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu như giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, kết nối chuyên gia trong và ngoài nước để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; hỗ trợ về nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm...
Tăng cường tư vấn, tìm kiếm, giới thiệu và hỗ trợ chuyển giao các công nghệ sản xuất hiện đại; hỗ trợ xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm