Theo báo cáo của Ban quản lý các KCN tỉnh, tính đến nay, tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực trong các KCN là 109 dự án với tổng vốn đăng ký 55.757 tỷ đồng. Trong đó có 79 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 44.322 tỷ đồng, 30 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 540 triệu USD, tương đương 11.435 tỷ đồng. Đối với các dự án FDI có 12 dự án có vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng đến 2.600 tỷ đồng, 5 dự án có vốn đầu tư từ 500 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.112,6 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 29 lượt dự án, trong đó có 8 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm 3.900 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN gần như đạt 100% diện tích đất trong KCN, trong đó KCN Gián Khẩu, KCN Khánh Phú, KCN Tam Điệp I và KCN Khánh Cư đã lấp đầy 100%, KCN Phúc Sơn tỷ lệ lấp đầy là 75,59%. Nhìn chung, các chỉ số về tốc độ lấp đầy KCN, chất lượng các dự án, tính khả thi và hiệu quả của các dự án trong các KCN tỉnh Ninh Bình được đánh giá ở mức khá so với các KCN trong cả nước và khu vực.
Trong tổng số 109 dự án thu hút đầu tư vào các KCN đã có 68 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 18 dự án đang xây dựng, có 3 dự án chậm tiến độ và còn 20 dự án chưa được giao đất. Ước tính đến nay vốn thực hiện của các dự án trên 38.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68% tổng vốn đăng ký. Một số Dự án quy mô lớn: Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG của Công ty TNHH Công nghiệp Hạ Long-CFG; Nhà máy xi măng The Vissai của Công ty cổ phần Vissai Ninh Bình; Nhà máy cán thép chất lương cao Tam Điệp của Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam; Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô Ninh Bình của Công ty TNHH ADM21 Hàn Quốc; Nhà máy sản xuất và lắp ráp xe ôtô tải, xe bán tải, xe khách, xe du lịch và các loại xe chuyên dùng, công suất 13.000 xe/năm của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công.
Theo ông Hoàng Đức Long, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, thực hiện chủ trương của tỉnh, Ban Quản lý các KCN đã tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm như công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. Đồng thời tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển các KCN cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Theo quy hoạch tổng thể các KCN tỉnh Ninh Bình đến năm 2008, tỉnh đã được phê duyệt 7 KCN với tổng diện tích là 1.961 ha, bao gồm: Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Điệp, Phúc Sơn, Khánh Cư, Xích Thổ, Sơn Hà. Tuy nhiên thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nhằm hạn chế ảnh hưởng, mâu thuẫn với phát triển du lịch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ổn định trong tương lai, Ban quản lý các KCN đã thực hiện điều chỉnh và phát triển quy hoạch các KCN theo hướng không quy hoạch nhiều khu, phân bố rải rác mà quy hoạch ít khu, phân bố hợp lý, tập trung phát triển Vùng kinh tế ven biển Kim Sơn và thực hiện mục tiêu xây dựng thị xã Tam Điệp trở thành thành phố công nghiệp. Do đó, ngày 18/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1499/TTg-KTN về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch các KCN, theo đó bỏ 2 KCN là Sơn Hà và Xích Thổ tại huyện Nho Quan (do không phù hợp với điều kiện đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp). Như vậy, quy hoạch tổng thể các KCN tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 gồm 7 KCN với tổng diện tích 1.472 ha, chiếm 1,061% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh: KCN Khánh Phú, KCN Phúc Sơn, KCN Tam Điệp I, KCN Tam Điệp II, KCN Gián Khẩu, KCN Khánh Cư, KCN Kim Sơn. Hiện nay, Ban quản lý các KCN tỉnh tiếp tục bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định và trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt điều chỉnh mở rộng 2 khu KCN Gián Khẩu và KCN Phúc Sơn (KCN Gián Khẩu từ 262 ha lên 862 ha, diện tích tăng thêm là 600 ha; KCN Phúc Sơn từ 142 ha lên 568 ha, diện tích tăng thêm là 426 ha).
Cùng với công tác quy hoạch, Ban quản lý các KCN đã quan tâm thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Riêng công tác cải cách thủ tục hành chính, Ban quản lý các KCN tỉnh đã chủ động rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện niêm yết công khai 38 thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan và rút ngắn thời gian thực hiện từ 3% đến 15% thời gian thực hiện trên thực tế.
Thời gian tới, Ban quản lý các KCN tỉnh sẽ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển các KCN theo hướng bền vững. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giáng Hương