Do vậy, để phục vụ tốt cho sản xuất vụ mùa 2017, đồng thời ngăn chặn việc cung ứng hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, Sở Nông nghiệp & PTNT đã, đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cơ sở tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn.
Yên Mô là huyện có mạng lưới kinh doanh vật tư nông nghiệp khá phong phú. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 100 cửa hàng, đại lý; tập trung chủ yếu là hoạt động kinh doanh, tiêu thụ phân bón và thuốc BVTV, còn lại các cơ sở bán thuốc thú y, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.
Trong những năm qua, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi) trên địa bàn Yên Mô được quan tâm. Thị trường vật tư nông nghiệp tương đối ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân đã đi vào nền nếp.
Đồng chí Lê Thị Linh, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Hàng năm, bên cạnh công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra với các đơn vị của tỉnh, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện thành lập các đoàn để tiến hành kiểm tra và thanh tra toàn diện tất cả các cơ sở hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn.
Qua kiểm tra, nhìn chung, đại đa số các hộ kinh doanh đều chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này, đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dân khi vào vụ sản xuất, không có hiện tượng tăng giá khi vào vụ, không có các mặt hàng nằm ngoài danh mục được phép kinh doanh.
Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn những cơ sở chưa có giấy phép kinh doanh hay giấy phép hành nghề; việc trưng bày hàng hóa lẫn lộn, sai quy cách; vẫn xuất hiện các tổ chức, cá nhân lén lút đưa các loại vật tư nông nghiệp bán trực tiếp đến tay người dân mà chưa qua đăng ký chất lượng. Với tinh thần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, một số cơ sở thiếu thủ tục, giấy tờ nhưng vẫn buôn bán công khai đã được chúng tôi vào cuộc xử lý kịp thời.
Về vấn đề tăng cường công tác quản lý giống, thuốc BVTV và phân bón trong vụ mùa 2017, bà Đinh Thị Thao, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: Thời điểm này, việc sản xuất vụ mùa đang đi vào giai đoạn nước rút, đây cũng là lúc nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc BVTV của bà con nông dân tăng cao.
Bởi vậy, để kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán và sử dụng các loại vật tư nông nghiệp này, chúng tôi đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra các cửa hàng, điểm kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp, nhất là các điểm kinh doanh nhỏ, lẻ và khu vực vùng sâu, vùng xa; trong đó tập trung vào việc kiểm tra, xử lý những trường hợp sử dụng, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp không nằm trong danh mục theo quy định và quá hạn sử dụng.
Đến cuối tháng 6, Chi cục đã kiểm tra được 22 cơ sở. Trong đó 20 cơ sở buôn bán thuốc BVTV, 2 cơ sở kinh doanh phân bón hữu cơ, phân bón khác.
Kết quả, có 4 cơ sở vi phạm với hành vi buôn bán thuốc BVTV không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV, buôn bán thuốc BVTV sai nhãn mác, buôn bán thuốc không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Các cơ sở này đều đã bị xử phạt vi phạm hành chính và đình chỉ hoạt động kinh doanh đến khi có đủ điều kiện theo quy định.
Ngoài ra, về giống lúa, ngành cũng đã có yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống lúa chỉ được kinh doanh và sử dụng những giống lúa nằm trong bộ cơ cấu của tỉnh. Riêng đối với việc sử dụng các loại thuốc BVTV, đơn vị cũng đã yêu cầu các trạm BVTV hướng dẫn bà con nông dân, HTX sử dụng theo nguyên tắc đúng quy trình, quy định.
Tuy nhiên, khó khăn của công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp của đơn vị hiện nay là lực lượng mỏng, do vậy số lượng các cơ sở được thanh, kiểm tra chưa nhiều. Trong khi đó, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định rất rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm của từng cấp, từng ngành.
Theo đó, cấp huyện, xã chịu trách nhiệm quản lý và thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp do UBND huyện, thành phố cấp phép. Nhưng thực tế lãnh đạo một địa phương thiếu quan tâm đến công tác này.
Thậm chí có đơn vị như huyện Nho Quan, thành phố Ninh Bình đến thời điểm này vẫn chưa tổ chức được một đợt kiểm tra nào. Với số lượng cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp rất lớn như hiện nay, nếu chính quyền địa phương không thực hiện tốt trách nhiệm quản lý, thì chất lượng vật tư nông nghiệp vẫn sẽ còn những hạn chế.
Hà Phương