Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: Việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trườngđảm nhận; cấp, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép quản lý chất thải nguy hại và gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Ban quản lý các KCN. Ban quản lý các KCN tỉnh có trách nhiệm phối hợp, kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường khi dự án đi vào hoạt động; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng Cục Môi trường, cơ quan chuyên môn và địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp, tham mưu đề xuất xử lý đối với đơn vị vi phạm tronglĩnh vực môi trường. Đến nay,cả 2 KCN là Khánh Phú và Tam Điệp giai đoạn 1 đều đã được phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường (BVMT) chung cho toàn khu. Tại KCN Khánh Phú, trong tổng số 27 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì có 22 dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết BVMT; 2 dự án đã lập đang trình phê duyệt; 3 dự án chưa lập, 2 dự án bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Khu công nghiệp Tam Điệp giai đoạn 1, 10 dự án đã được phê duyệt đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết BVMT và 2 dự án đã lập, đang chờ phê duyệt. Tất cả các doanh nghiệp trên đều xây dựng các công trình và triển khai các biện pháp, giải pháp BVMT theo cam kết đã được phê duyệt.
Về quản lý nguồn nước thải, tại KCN Khánh Phú, Doanh nghiệp Thành Nam đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải, công suất giai đoạn 1 là 12.000 m3/ngày đêm, đủ khả năng xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong KCN từ cột B về cột A và thải ra môi trường. Tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều bắt buộc phải chủ động xử lý nước thải (sản xuất và sinh hoạt) cục bộ tại cơ sở đạt cột B quy chuẩn về nước thải công nghiệp, trước khi thải ra hệ thống thu gom của KCN để đưa về Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam.KCN Gián Khẩu, nhà máy xử lý nước thải tập trung cũng đang được xây dựng và sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2013. Riêng KCN Tam Điệp giai đoạn 1, các dự án không có nước thải sản xuất và chỉ có nước thải sinh hoạt, nên các doanh nghiệp tự xử lý cục bộ đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, trước khi xả thải ra môi trường. Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn, chất thải nguy hại trong các KCN do các doanh nghiệp tự chịu tránh nhiệm. Sau khi thu gom, phân loại, các loại chất thải rắn có thể tái sử dụng ngay trong nội bộ cơ sở, bán phế liệu cho đơn vị thu mua. Chất thải không tái chế được, chuyển đến kho và thuê các đơn vị đưa đi xử lý (riêng chất thải nguy hại phải ký hợp đồng với đơn vị chuyên xử lý). Một số doanh nghiệp trong KCN Khánh Phú đã ký hợp đồng với HTX dịch vụ điện-nước Khánh Phú thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.
Tuy nhiên, hệ thống thu gom nước thải của KCN Khánh Phú cũng như hạ tầng các KCN chưa hoàn chỉnh nên một số doanh nghiệp ( Kính Tràng An, Công ty Chiachen...) chưa xả nước thải trực tiếp vào hệ thống thu gom và các thủ tục về môi trường cũng chưa hoàn chỉnh, bất cập cho công tác quản lý môi trường của cả KCN. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xả thải chưa thường xuyên, liên tục. Sự quan tâm và ý thức về BVMT của một số doanh nghiệp chưa cao...
Ninh Bình là tỉnh đang ở giai đoạn đầu của quá trình đầu tư phát triển, là tỉnh trọng điểm về sản xuất vật liệu xây dựng như: xi măng, gạch tuynel, khai thác khoáng sản với nhiều khu, cụm công nghiệp đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hạ tầng cơ sở và thu hút các dự án đầu tư vào sản xuất.
Để thực hiện tốt công tác BVMT trên địa bàn tỉnh nói chung và trong các KCN nói riêng theo định hướng phát triển bền vững, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác điều tra cơ bản về môi trường, quan trắc đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến môi trường để từ đó đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xả thải của các doanh nghiệp. Thống nhất quy trình xây dựng kế hoạch và quản lý nguồn vốn sự nghiệp môi trường để tăng cường hiệu quả đầu tư và phù hợp với mục tiêu, kế hoạch và chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải và cơ sở hạ tầng trong các KCN.Quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại: tiến hành đánh giá thực trạng công tác quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại trên địa bàn toàn tỉnh, từ đó xây dựng chiến lược, kế hoạch quản lý chất thải rắn từ tỉnh xuống cơ sở.
Khẩn trương hoàn thành dự án xây dựng Nhà máy chế biến rác thải tại thị xã Tam Điệp, xây dựng bãi chôn lấp xử lý rác thải thứ hai của tỉnh; xây dựng khu xử lý chất thải nguy hại cho tỉnh. Bảo vệ môi trường phải lấy phòng ngừa và hạn chế những tác động đối với môi trường là chủ yếu, xem xét chặt chẽ sự bảo đảm yêu cầu về môi trường đối với các quy hoạch, dự án đầu tư ngay từ khâu phê duyệt, cấp phép; hạn chế phê duyệt và tiến tới cấm những dự án có tác động lớn hoặc tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường; đồng thời kiên quyết không cho phép đưa vào vận hành, sử dụng các cơ sở sản xuất không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, tầng lớp nhân nhân nhằm xã hội hóa sâu rộng công tác bảo vệ môi trường, tạo dựng thói quen, nếp sống và phong trào quần chúng bảo vệ môi trường.
Trường Sinh