Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo tồn, tu bổ các di tích gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, ý thức bảo vệ, duy trì các giá trị văn hóa còn nhiều bất cập, đòi hỏi sự quan tâm, tăng cường hơn nữa của các cơ quan quản lý Nhà nước, các Ban quản lý di tích và ý thức mỗi người dân.
Đình Vân Thị, thuộc thôn Vân Thị, xã Gia Tân (Gia Viễn) là một trong những di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp Quốc gia, nhưng hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Ông Phạm Trung Đức, Phó ban quản lý di tích Đình Vân Thị cho biết: Đình Vân Thị được xây dựng năm 1699, năm Chính Hòa thứ 20, có niên đại trên 300 năm, thờ Thái sư phụ chính Tô Hiến Thành. Hiện Đình còn lưu giữ những nét nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ tinh xảo trên nền gỗ. Ngoài ý nghĩa tâm linh, Đình Vân Thị còn là nơi thể hiện rõ nét trình độ văn hóa, sức mạnh, vật chất và mức độ gắn bó liên kết, tinh thần ý thức của khu vực cộng đồng dân cư.
Trải qua nhiều trăm năm, với những thăng trầm của lịch sử và mưa nắng của thời gian, ngôi đình đã bị xuống cấp; mặc dù nhiều lần đã được các cấp, các ngành và bà con nhân dân đầu tư, quyên góp, ủng hộ để tu sửa, tôn tạo ngôi đình. Tuy nhiên, do toàn bộ ngôi đình được làm bằng gỗ, qua thời gian bị mối mọt tấn công, các đốc đình, mái đình đều đã ngả, nứt, trũng xuống; các cột quân, xà nối đều hỏng, mọt rỗng bên trong; mái ngói xê dịch, vỡ nát, thường xuyên bị dột, thấm khi trời mưa…, nguy cơ Đình có thể đổ sập bất cứ lúc nào… Để khắc phục tình trạng này, BQL di tích Đình Vân Thị đã tìm nhiều giải pháp, như kê toàn bộ chân bàn thờ lên các bát có dầu luyn nhằm hạn chế mối mọt, chằng chống, che phủ các cột chống đổ, chỗ ngói xô lệch…, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế và không xử lý được triệt để vấn đề. Mong muốn của người dân trong thôn là được Nhà nước đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo để di tích được duy trì nguyên trạng, giữ được những giá trị lịch sử từ thời cha ông.
Được biết, ở xã Gia Tân, có 3 ngôi đình là Đình Vân Thị, Đình Trùng Thượng và Đình Trùng Hạ đều đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đặc biệt là Đình Trùng Hạ, được xếp vào loại cổ, to và đẹp trên địa bàn tỉnh. Trải qua hàng trăm năm với khí hậu thời tiết khắc nghiệt, di tích Đình Trùng Hạ cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, năm 2008, UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương tu sửa, tôn tạo cả 3 ngôi đình là Đình Vân Thị, Đình Trùng Thượng và Đình Trùng Hạ của xã Gia Tân, với nguồn kinh phí tu sửa từ chương trình mục tiêu văn hóa của Trung ương. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện dự án thì chỉ có đình Trùng Thượng và Trùng Hạ được đưa vào sửa chữa, tu bổ, tôn tạo. Đến nay, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, mới chỉ có đình Trùng Thượng được tu sửa hoàn thiện nhưng chưa tiến hành bàn giao; đình Trùng Hạ dù được triển khai tu sửa một số hạng mục, nhưng hiện đã dừng thi công và để dở dang, còn Đình Vân Thị dù có trong chương trình tu bổ của dự án nhưng chưa được triển khai thực hiện…
Đồng chí Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân cho biết: Là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được công nhận, xếp loại cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Trước thực trạng nhiều di tích đã xuống cấp, xã cũng đã chỉ đạo các BQL di tích kêu gọi sự ủng hộ, quyên góp từ các nhà hảo tâm và nhân dân trong thôn xóm, trong xã nhưng nguồn kinh phí không đảm bảo để tu bổ, sửa chữa. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã rất mong các cấp, các ngành quan tâm, tiếp tục triển khai thực hiện dự án để các di tích đã xếp hạng được bảo vệ và nhân dân có nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Theo kết quả tổng kiểm kê di tích, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 1.499 di tích, được phân bố đều khắp 146 xã, phường, thị trấn. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 329 di tích đã được xếp hạng, gồm 79 di tích cấp quốc gia (trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt) và 250 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử, văn hóa đã tồn tại hàng trăm năm, trải qua sự khắc nghiệt của thời gian, cùng với sự tàn phá của chiến tranh và do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cộng đồng dân cư nên nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp, trong đó có một số di tích xuống cấp hết sức nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trong tỉnh bằng nhiều giải pháp như: Kiểm kê phân loại, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về Di sản Văn hóa, qua đó tạo một bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò, vị trí của di sản văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt công tác tu bổ, tôn tạo các di tích.
Bằng nhiều nguồn lực huy động: Nguồn kinh phí do Chính phủ đầu tư chống xuống cấp thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn NSNN hàng năm của tỉnh và nguồn vốn từ nhân dân tham gia hoạt động xã hội hóa bảo vệ di tích. Tính đến hết năm 2015, có tổng số 174 di tích (bằng 256 lượt) được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó 64 di tích cấp quốc gia (bằng 148 lượt), 110 di tích cấp tỉnh (bằng 108 lượt) với nguồn kinh phí gần chục tỷ đồng.
Năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục hỗ trợ đầu tư tu sửa, tôn tạo cho 20 lượt di tích cấp tỉnh, với nguồn đầu tư kinh phí gần 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn một lượng vốn khá lớn được huy động từ nhân dân, ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng. Đáng chú ý là trong vài năm gần đây, phong trào "xã hội hóa" các mặt hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đã được các tầng lớp xã hội tham gia hưởng ứng. Nhiều di tích đã nhận được sự đóng góp, công đức của nhân dân, các nhà hảo tâm lên tới hàng tỷ đồng. Đồng thời, hoạt động tu bổ di tích bằng nguồn vốn NSNN đã cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật; tuy nhiên, việc tu bổ, tôn tạo di tích bằng các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước vẫn còn những biểu hiện tùy tiện, chưa tuân thủ đúng các quy định, phần nào làm sai lệch và giảm giá trị di tích.
Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo và tăng cường hiệu quả công tác quản lý di tích, xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý di tích. Làm tốt công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức về bảo tồn di sản và các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn di tích. Cùng với đó, nâng cao vai trò của cộng đồng nhân dân địa phương đối với công tác quản lý, bảo tồn di tích, làm tốt vấn đề này thì hiện tượng vi phạm di tích sẽ giảm đi rất nhiều, di tích sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị tốt hơn. Đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực tham gia vào công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, bao gồm cả nguồn vốn NSNN và nguồn vốn từ nhân dân tham gia hoạt động xã hội hóa bảo vệ di tích…
Bài, ảnh: Hạnh Chi