Ninh Bình là một tỉnh ven biển nằm ở phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng có diện tích tự nhiên 1.405,77 km2 với 3 loại địa hình khác nhau gồm: vùng đồi núi và bán sơn địa ở phía Tây, vùng đồng bằng và vùng ven biển ở phía Đông Nam. Về hệ sinh thái, các nhà khoa học đã chia Ninh Bình thành 5 hệ sinh thái cơ bản là: Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi; hệ sinh thái gò đồi, hệ sinh thái đồng bằng, hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh ta trên 29 nghìn ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng chiếm trên 60%. Tất cả những yếu tố trên đã biến Ninh Bình thành một địa phương sở hữu những giá trị đa dạng sinh học cao bậc nhất của Việt Nam. Nhiều phát hiện kỳ thú về các loài động, thực vật quý hiếm đã được ghi nhận tại đây. Cụ thể như: Vườn Quốc gia Cúc Phương là khu bảo tồn đầu tiên có giá trị đa dạng sinh học cao của Việt Nam; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu đất ngập nước nội đồng lớn nhất đồng bằng Bắc bộ, hiện đang sở hữu danh hiệu được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là "Nơi có nhiều cá thể voọc mông trắng nhiều nhất" một loài linh trưởng quý hiếm; Khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư đang là hợp phần quan trọng cấu thành nên Quần thể danh thắng Tràng An là vừa được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Ngoài ra, Ninh Bình còn có khu rừng phòng hộ ven biển Kim Sơn với tổng diện tích gần 1.000 ha được UNESCO công nhận nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới… Có thể khẳng định, đây là những tài sản vô giá, có ý nghĩa to lớn không chỉ cho khoa học mà còn là nguồn lợi kinh tế lớn mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta.
Nhận thức được nguy cơ cũng như những thuận lợi trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và để từng bước bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói riêng, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã chú trọng triển khai thực hiện công tác xây dựng và quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Năm 2005, Ninh Bình đã xây dựng và phê duyệt Định hướng chiến lược phát triển bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006 - 2010 và đến năm 2020. Công tác điều tra, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH tại các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn cũng được các ngành chuyên môn quan tâm thực hiện. Tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã tiến hành điều tra thống kê danh mục các loài động, thực vật hệ trên cạn, lớp chim, lớp côn trùng, lớp cá.
Trên phạm vi toàn tỉnh, năm 2013 Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện Đề tài điều tra đánh giá hiện trạng về đa dạng sinh học ở Ninh Bình đề xuất các giải pháp để bảo tồn khai thác và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, Ninh Bình đã được các Tổ chức quốc tế như SIDA, SEMA, GEF... tạo điều kiện giúp đỡ thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn cộng đồng về nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ĐDSH như hỗ trợ nông dân xã Gia Vân xây dựng mô hình bảo vệ ĐDSH Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Dự án thí điểm xây dựng và thực hiện Chương trình Nghị sự 21 cấp địa phương tại Ninh Bình: tổ chức nhiều đợt hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cấp cộng đồng và nhiều chuyên đề về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước như "Xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long" với mục đích chính là xây dựng chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên khu bảo tồn, đặc biệt là tài nguyên rừng, đất ngập nước; bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ sinh thái và ĐDSH trong khu bảo tồn. Thông qua các chương trình hoạt động, tạo thêm việc làm, ổn định và phát triển kinh tế của nhân dân sống trong khu vực nhằm làm giảm sức ép vào khu bảo tồn thiên nhiên, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững khu bảo tồn...
Song song với đó là việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo vệ các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái quan trọng có tầm quốc gia. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ các loài nguy cấp quý hiếm trên địa bàn toàn tỉnh. Các tụ điểm kinh doanh, buôn bán các loài động vật hoang dã quý hiếm đã cơ bản được xóa bỏ, các cơ sở nuôi nhốt, kinh doanh, các nhà hàng có sử dụng các sản phẩm chế biến từ các động vật hoang dã đã được kiểm soát nghiêm ngặt. Việc kiểm soát lưu thông trên các tuyến đường giao thông qua địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ.
Từ năm 2009 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý 22 vụ, 25 đối tượng vi phạm pháp luật về vận chuyển, mua bán động vật hang dã trái phép, trong đó chuyển xử lý hình sự 3 vụ, 4 đối tượng; thu giữ tang vật gồm: Hai cá thể Hổ, 11 bộ xương Báo gấm, Báo hoa mai, 15 cá thể rắn Hổ mang chúa thuộc nhóm IB; 72 cá thể Têtê Java … với tổng trọng lượng trên 856kg cùng nhiều tài sản, phương tiện, hàng hóa khác với tổng giá trị tịch thu, phạt hành chính xung công quỹ nhà nước trên 1 tỷ đồng. Chi cục Kiểm lâm cũng đã phát hiện và xử lý gần 200 vụ vi phạm về hành vi vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã quý hiếm. Chỉ tính riêng năm 2014 đã xử lý 70 vụ và tịch thu 1.195 kg động vật hoang dã, quý hiếm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, thực tế hiện nay nguồn lực cho công tác bảo tồn ĐDSH ở các cấp, các ngành còn rất yếu và thiếu cả về số lượng, chất lượng cán bộ; cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn ĐDSH không đủ để thực hiện nhiệm vụ. Công tác đầu tư cho các khu rừng đặc dụng còn rất ít, mức khoán bảo vệ rừng còn quá thấp… Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng dân cư về bảo tồn ĐDSH còn hạn chế.
Do vậy, thời gian tới rất cần có sự quan tâm của mọi cấp, mọi ngành trong việc bảo tồn ĐDSH, đặc biệt việc bảo tồn các vùng đất ngập nước, khu bảo tồn - nền tảng của vấn đề sức khỏe, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch… Trước mắt, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác bảo tồn chuyên sâu. Ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp vườn thực vật có đủ dung lượng cá thể của các loài đang có nguy cơ bị đe dọa hoặc bị tuyệt chủng, đảm bảo công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, đồng thời tạo cảnh quan du lịch, góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn các loài này đối với cộng đồng.
Xây dựng một số mô hình vườn rừng, trồng cây phân tán đến từng hộ gia đình theo hướng bảo tồn nông trại một số loài cây quý hiếm bị đe dọa có giá trị cao. Bảo tồn các giá trị khoa học đối với các loài động vật, thực vật đặc hữu của Ninh Bình như gà rừng, gà lôi trắng, voọc mông trắng, sơn dương, rùa sa nhân, lợn rừng và các loài thực vật quý hiếm: Sưa, Vù hương, Trai lý, Chò chỉ, Chò xanh, Giổi, Đinh hương, Kim giao, các loài Tuế, Lan…
Đồng thời, gấp rút hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu về ĐDSH cho toàn tỉnh. Xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và Kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng 2030; tổ chức rà soát quy hoạch các khu rừng đặc dụng giai đoạn 2014-2020.
Nguyễn Lựu