Trong bất kỳ tổ chức nào, kỷ luật luôn đóng vai trò then chốt để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động. Đối với Đảng ta, kỷ luật, kỷ cương không chỉ đơn thuần là tuân thủ nguyên tắc, mà còn thể hiện tinh thần tự giác, trách nhiệm và phấn đấu không ngừng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhờ có kỷ luật, kỷ cương, Đảng ta mới duy trì được sự lãnh đạo xuyên suốt, không để xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hay cục bộ, bè phái. Đây cũng là cơ sở để bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn Đảng đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì việc đề cao kỷ luật, kỷ cương càng trở nên cấp thiết và là yếu tố sống còn đối với vai trò lãnh đạo - cầm quyền của Đảng.
Trong cấu trúc của một cánh cửa, cái “then” chính là điểm tựa cuối cùng để khóa chặt, bảo vệ bên trong, ngăn chặn mọi nguy cơ từ bên ngoài. Cánh cửa có chắc đến đâu, bản lề có bền đến mấy, mà cái then lỏng lẻo thì tất cả đều trở nên vô nghĩa. Đối với Đảng, kỷ luật và kỷ cương chính là cái “then chốt” ấy - giữ cho bộ máy vận hành thông suốt, đoàn kết thống nhất và đủ sức vượt qua mọi thử thách. Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội XIV của Đảng, kỷ luật, kỷ cương tổ chức là yếu tố then chốt, từ việc xây dựng văn kiện, công tác nhân sự, tổ chức bầu cử đến việc xử lý các tình huống phát sinh. Kỷ luật, kỷ cương còn thể hiện ở việc kiên quyết chống lại những biểu hiện tiêu cực, “chạy chức”, “chạy quyền”, lợi dụng đại hội để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Thực tiễn đã chứng minh, nơi nào kỷ luật lỏng lẻo, nơi đó dễ phát sinh tiêu cực, mất đoàn kết, thậm chí dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Muốn Đảng mạnh, trước hết phải nghiêm từ Trung ương, gương mẫu từ người đứng đầu, tạo ra sự lan tỏa xuống tận cơ sở. Kỷ luật là nội dung, kỷ cương là hình thức biểu hiện và kết quả của việc thực thi kỷ luật. Kỷ luật và kỷ cương gắn bó hữu cơ, mật thiết; kỷ luật vững vàng là cơ sở để đoàn kết bền chặt, là “khóa chốt” giữ ổn định tổ chức, bảo vệ những thành quả đạt được và tạo niềm tin vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc.
Thời gian tới, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bảo đảm thành công Đại hội XIV, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Trước hết, kiên quyết, kiên trì thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. Đây là những quy định mang tính nền tảng, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong tư tưởng, tổ chức và hành động của toàn Đảng.
Trọng tâm là nguyên tắc tập trung dân chủ - vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo của tập thể vừa phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong lãnh đạo và quản lý. Bên cạnh đó, nguyên tắc tự phê bình và phê bình cần được thực hiện một cách thực chất, tránh hình thức, né tránh, nể nang. Nếu buông lỏng các nguyên tắc này, tổ chức đảng dễ rơi vào tình trạng mất đoàn kết nội bộ, dân chủ hình thức, từ đó tạo kẽ hở cho sai phạm, tiêu cực phát sinh.
Việc kiên quyết, kiên trì thực hiện các nguyên tắc đó không chỉ giúp tổ chức đảng vận hành chặt chẽ, đúng đắn, mà còn là biện pháp quan trọng để phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đấu tranh chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, trong bối cảnh chuẩn bị và tiến hành Đại hội XIV của Đảng, càng cần nâng cao tính chiến đấu, tính kỷ luật trong sinh hoạt đảng; qua đó, lựa chọn đúng những cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ tâm huyết để gánh vác sứ mệnh phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Hai là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng một cách nghiêm minh, công bằng. Thời gian qua, nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý kịp thời nhờ vào việc tăng cường kiểm tra, giám sát. Những cán bộ, thậm chí cả cán bộ giữ cương vị cao, nhưng khi có sai phạm, đều đã bị xử lý nghiêm minh. Điều này thể hiện quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng theo hướng chủ động, kịp thời trong phát hiện dấu hiệu vi phạm, không để “chuyện đã rồi” mới xử lý; công bằng, khách quan, không nể nang, né tránh, bất kể đối tượng kiểm tra là ai, giữ chức vụ nào. Cần kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra của Đảng và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân nhằm tạo thành “mạng lưới phòng, chống sai phạm” rộng khắp.
Kỷ luật của Đảng chỉ có ý nghĩa khi đi kèm với tính công bằng và tính răn đe, nhưng quan trọng hơn là giáo dục, cảnh tỉnh, giúp cán bộ sửa sai, giữ vững phẩm chất cách mạng. Đây chính là yếu tố góp phần làm cho “then chốt” công tác cán bộ trở nên vững chắc, bảo đảm cho thành công của Đại hội XIV và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Trong bất kỳ tổ chức nào, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là trung tâm đoàn kết, vừa là hạt nhân lãnh đạo. Trong Đảng, vai trò đó càng được đặt lên hàng đầu, bởi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, không chỉ lãnh đạo bằng lời nói, nghị quyết, mà phải bằng hành động, bằng nêu gương.
Phát huy vai trò nêu gương chính là tạo ra chuẩn mực đạo đức và tác phong để cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo. Người đứng đầu phải nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, từ việc nhỏ đến việc lớn. Khi người lãnh đạo sống trung thực, liêm khiết, làm đúng nguyên tắc thì cấp dưới khó mà dám lách luật, lợi dụng chức vụ. Ngược lại, nếu người đứng đầu thiếu gương mẫu, buông lỏng quản lý, thậm chí vi phạm thì không chỉ làm mất uy tín cá nhân, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả tổ chức, đơn vị, gây ra sự suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để phát huy hiệu quả vai trò nêu gương, cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, như Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; đồng thời, việc đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu, phải gắn với kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương, không để hình thức, chiếu lệ. Khi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thực sự nêu gương, sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, qua đó góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội XIV và sự nghiệp cách mạng lâu dài của đất nước.
Bốn là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác nhân sự, bảo đảm thành công Đại hội XIV của Đảng. Thực tiễn cho thấy, lơi lỏng trong công tác nhân sự sẽ tạo kẽ hở cho “chạy chức”, “chạy quyền”, bổ nhiệm người không đủ phẩm chất, năng lực, thậm chí lạm dụng quyền lực để “cái cắm” thân tín, cánh hẩu, gây chia rẽ nội bộ và làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là nguy cơ trực tiếp làm suy yếu bộ máy, phá vỡ nguyên tắc dân chủ và đe dọa sự thành công của Đại hội. Vì vậy, cần kiên quyết thực hiện đúng, đủ, nghiêm minh các quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện về công tác cán bộ. Mọi khâu từ quy hoạch, giới thiệu, lấy phiếu tín nhiệm đến quyết định nhân sự đều phải được thực hiện khách quan, minh bạch, công tâm, tuyệt đối không để “lợi ích nhóm” chi phối. Cùng với đó, phải tăng cường giám sát chéo, kiểm tra nội bộ, phát hiện và xử lý kịp thời mọi biểu hiện vi phạm, sai phạm trong công tác nhân sự.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Chỉ khi kỷ luật, kỷ cương trong công tác nhân sự được siết chặt, thì đội ngũ cán bộ được lựa chọn mới thật sự đủ tâm, đủ tầm, đủ tín nhiệm, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.