Với những nội dung đặc sắc, thu hút đông đảo người dân và khách thập phương đến tham quan, chiêm bái, hoạt động lễ hội đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân như: Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng an, Lễ hội văn hóa, thể thao du lịch Quốc gia…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục đó là: Việc quán triệt, triển khai tổ chức một số văn bản của Đảng, Nhà nước và các Bộ, Ban, ngành liên quan về quản lý và tổ chức lễ hội ở một số địa phương thiếu quyết liệt, dẫn đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về vấn đề này chưa đầy đủ, thấu đáo. ở một số lễ hội, nhất là hội làng vẫn còn biểu hiện mê tín, chơi cờ bạc dưới một số hình thức, dịch vụ đổi tiền lẻ…; vệ sinh, môi trường ở một vài khu vực lễ hội chưa đảm bảo, việc thực hiện nếp sống văn minh của một bộ phận du khách tham gia lễ hội còn hạn chế như: chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh, mang trang phục không phù hợp với không gian lễ hội… chất lượng hoạt động dịch vụ chưa cao, còn tình trạng chèo kéo khách mua hàng, chụp ảnh, bán hàng không đúng niêm yết giá trong khuôn viên của một số di tích.
Để khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đặc biệt là dịp Xuân Kỷ Hợi, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt, chỉ đạo và thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 47-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư khóa XI về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 16/3/2012 của Ban TVTU Ninh Bình về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND ngày 13/2/2005 của UBND tỉnh quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn và các văn bản khác có liên quan.
Tăng cường công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động, coi trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách trong thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội, việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trong hoạt động lễ hội, giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương…
Thực hiện quyết liệt các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống cháy, nổ an toàn giao thông tại các lễ hội. Xử lý nghiêm, đúng thẩm quyền các sai phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng các dịch vụ cung ứng dịch vụ khách du lịch, cơ sở lưu trú, đơn vị vận chuyển khách du lịch.
Giải quyết triệt để các hành vi nâng giá, ép giá, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng tâm thần, lang thang, ăn xin tại các lễ hội, điểm du lịch… đảm bảo một mùa lễ hội an toàn, văn minh, tiết kiệm và hiệu quả thiết thực…
Nguyễn Kim