Việc sử dụng ma túy tổng hợp sẽ gây ra những tác hại rất lớn về việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội do những người sử dụng có dấu hiệu bị hoang tưởng, ảo giác, rối loạn tâm thần nếu sử dụng trong thời gian dài. Đối với người đã từng nghiện hêrôin khi chuyển sang dùng ma túy dạng đá thì bị rối loạn tâm thần còn nhanh hơn. Đặc biệt, người sử dụng ma túy dạng đá dễ bị kích động, dễ nổi giận, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi… khi sử dụng ma túy tổng hợp sẽ gây ảo giác mạnh, làm cho người sử dụng sẵn sàng có những có hành vi xấu, gây thương tích hàng loạt…, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Ông Trần Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cho biết, thường thì vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, tâm lý của các đối tượng diễn biến phức tạp nhất, nhiều học viên có tâm lý bỏ trốn vào những ngày giáp Tết. Trước thực trạng đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và thành phố Tam Điệp - địa bàn Trung tâm đứng chân đã chỉ đạo Trung tâm làm tốt công tác quản lý, cai nghiện giáo dục phục hồi và lao động trị liệu cho học viên cai nghiện; xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, chủ động đối phó kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Theo đó, Trung tâm đã phân công cán bộ tuần tra, trực 24/24 giờ trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu nhằm ứng phó kịp thời các tình huống mất an ninh trật tự tại Trung tâm. Kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của học viên để uốn nắn, giải quyết kịp thời mọi bức xúc của học viên, ngăn chặn và xử lý nghiêm những học viên vi phạm nội quy…
"Bên cạnh tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ, chúng tôi cũng tìm hiểu, gần gũi học viên để lắng nghe và chia sẻ với họ những nỗi niềm sâu kín, nhất là vào thời điểm trước thềm năm mới" - ông Trần Xuân Trường chia sẻ. Theo đó, vào thời điểm Tết đến, xuân về, trong lòng những con người ngông cuồng một thời ấy cảm thấy buồn, hẫng hụt, cô đơn. Bởi thế, Trung tâm luôn nỗ lực để mang lại cho các học viên một cái Tết đầm ấm, đầy đủ, sum vầy. Do đó, công tác tổ chức vui đón Tết cho học viên được chuẩn bị từ rất sớm. Tuy không náo nhiệt như ở bên ngoài, nhưng các học viên ở Trung tâm cũng hồ hởi tự trang trí lại khuôn viên, phòng ốc cho gọn gàng để chuẩn bị đón năm mới. Bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, thực phẩm…, các hoạt động cho học viên trong những ngày Tết cổ truyền cũng được Trung tâm tổ chức, thu hút 100% học viên tham gia như: ngay từ ngày 28 Tết tổ chức thi đấu vòng loại bóng chuyền, ngày 29 Tết tổ chức giao lưu hát karaoke, buổi tối tổ chức chấm thi bày mâm ngũ quả. Ngày mùng 1 Tết tổ chức cho học viên thi một số trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, thi đấu cờ người, kéo co, hái hoa dân chủ… Những hoạt động đó đã tạo bầu không khí vui tươi đầm ấm, giúp học viên vơi đi nỗi nhớ gia đình.
Ông Trần Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cho biết thêm, ngoài việc triển khai các biện pháp nhằm đối phó kịp thời với các tình huống cấp bách, việc nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, sớm đưa học viên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng mới là giải pháp lâu dài, bền vững nhất. Theo đó, sau khi được điều trị cắt cơn tại Trung tâm, các học viên bắt đầu cuộc hành trình "tìm lại chính mình". Vừa trị liệu, vừa học văn hóa và trang bị các kỹ năng hướng đến tái hòa nhập cộng đồng. Đối với học viên chưa tốt nghiệp THCS thì việc học văn hóa, hoàn thành chương trình THCS là yêu cầu bắt buộc. Trong các buổi học, ngoài dạy văn hóa, Trung tâm cũng rất coi trọng việc giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, đạo đức, tác phong cho học viên. Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các học viên còn được truyền đạt một số nội dung như: Luật Phòng, chống ma túy, Bộ luật Hình sự; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính… Ngoài ra, tất cả học viên tại Trung tâm đều được học các chuyên đề về kỹ năng hòa nhập cuộc sống. Tổ tư vấn của Trung tâm đã giúp đỡ học viên nhận thức được đầy đủ hành vi sai phạm của mình để từ đó thay đổi suy nghĩ, sống hướng thiện. Chính vì vậy, không ít học viên lúc mới vào trường tỏ ra bất hợp tác, sống khép kín với mọi người xung quanh, nhưng sau một thời gian học tập tại trường đã cởi mở và tự tin hơn.
Ông Trần Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm cho rằng, phương pháp giáo dục tại Trung tâm hết sức thân thiện và tích cực. Trong một môi trường chính quy, kỷ luật, học viên được tạo điều kiện tiếp xúc với các phương tiện nghe, nhìn; được tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; được hướng nghiệp… Trung tâm cũng quán triệt nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Hoạt động lao động không chỉ là một phương pháp trị liệu thông thường, mà thông qua lao động các học viên sẽ hiểu hơn giá trị của cuộc sống. Theo đó, căn cứ vào sở thích, năng khiếu, nhu cầu của thị trường…, Trung tâm đã phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề cho học viên như: làm lông mi giả, làm đá trang sức, bóc hạt điều, nghề điện…
Nguyễn Hùng