Được biết, hiện nay Ninh Bình có gần 1.500 di tích lịch sử văn hóa, được phân bổ ở 146 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trong đó có 289 di tích đã được xếp hạng (tính đến hết năm 2012) gồm 79 di tích cấp Quốc gia, 210 di tích cấp tỉnh. Đáng chú ý có 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và Khu hang động Tràng An-Tam Cốc-Bích Động.
Những kết quả đạt được
Về thăm đền thờ người anh hùng dân tộc thế kỷ thứ X Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương (Gia Viễn), chúng tôi có cảm xúc thật đặc biệt. So với hơn 5 năm về trước, diện mạo đền thờ Đinh Tiên Hoàng đã có nhiều thay đổi. Ngôi đền mới được đầu tư tu sửa, tôn tạo và mở rộng, song vẫn mang những nét kiến trúc cổ kính và tôn nghiêm, vì thế về thăm Đền, mỗi người đều cảm thấy sự gần gũi, yên bình.
Ông Đinh Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Gia Phương cho biết: Đây là kết quả của Dự án chống xuống cấp và tôn tạo di tích thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia. Sau gần 2 năm thi công, năm 2010, ngôi đền đã hoàn thành, kịp thời phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với tổng kinh phí thực hiện khoảng 20 tỷ đồng.
Ông Hoan cho biết thêm: Thời gian qua, người dân địa phương và những người con xa quê cùng du khách thập phương đã đóng góp thêm kinh phí để tu bổ, mua sắm các đồ thờ, đem lại sự khang trang cho ngôi Đền. Đây cũng là cơ hội để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với địa phương. Quan trọng hơn cả, việc giữ gìn, bảo vệ bền vững di tích còn là cơ sở để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.
Động Hoa Lư (hay còn gọi là Thung Lau) - một di tích gắn với nơi khởi nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh, là nơi được vua Đinh chọn, nuôi giấu một đội quân đặc biệt tinh nhuệ để khi cần đưa ra giao chiến. Động nằm trên địa bàn xã Gia Hưng (Gia Viễn). Trên dinh lũy xưa kia của vua Đinh Tiên Hoàng, nhân dân xây lên ngôi đền nhỏ 3 gian để thờ vua Đinh Tiên Hoàng cùng với thánh Nguyễn Minh Không. Động Hoa Lư đã được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1996. Cùng với thời gian, động bị xuống cấp nghiêm trọng, đường vào Thung nhỏ, hẹp, đi lại rất khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, năm 2008, di tích động Hoa Lư chính thức được khởi công xây dựng, tôn tạo với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác. Đến nay Thung Lau đã được tôn tạo khang trang, đẹp đẽ, là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Hàng năm, ở đây diễn ra Lễ hội động Hoa Lư vào ngày 10 tháng giêng với các hoạt động dâng hương, tế lễ, tế tạ. Sau phần lễ là phần hội, gồm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như thi kéo co, chọi gà, thi đấu cờ tướng…
Tính đến hết năm 2012, trên địa bàn tỉnh ta đã có 114 di tích đã được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó 63 di tích cấp Quốc gia, 51 di tích cấp tỉnh (trong đó có di tích được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp từ 2-3 lần). Nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho việc trùng tu, tôn tạo di tích gồm kinh phí chương trình mục tiêu Quốc gia; vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp; vốn do Chính phủ đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác. Riêng Quần thể danh thắng Tràng An, năm 2012-2013 có 7 dự án trùng tu, tôn tạo được duyệt (trong đó có 1 dự án đã hoàn thành) với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 369,067 tỷ đồng.
Đến nay, số vốn được cấp đạt 114,114 tỷ đồng, trong đó đã tu bổ di tích Cố đô Hoa Lư là 3,330 tỷ đồng, xây dựng các cổng phía Bắc; phía Đông của Cố đô Hoa Lư 746,443 triệu đồng. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cho chương trình mục tiêu Quốc gia chống xuống cấp và tôn tạo di tích, còn một lượng vốn khá lớn được huy động từ nhân dân, ước tính khoảng 50 tỷ đồng. Điển hình như nhân dân công đức 2 tỷ đồng để tu sửa chùa Non Nước (thành phố Ninh Bình); 1,5 tỷ đồng tu sửa chùa Hạ (Bích Động-Hoa Lư); gần 1 tỷ đồng tu bổ chùa Đẩu Long (thành phố Ninh Bình); 30 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo đình Hàng Tổng (Yên Khánh) …
Việc trùng tu, tôn tạo đã ngăn chặn kịp thời nguy cơ xuống cấp của các di tích, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho các cộng đồng dân cư, do đó đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo nhân dân. Mặt khác, trong các di tích được tu bổ, có nhiều di tích gắn với thiết chế tôn giáo, Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa đã góp phần tích cực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa, hỗ trợ thiết thực cho việc thực hiện các chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng.
Xét về phương diện kinh tế, nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch-văn hóa gắn kết với những tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thu hút khách du lịch, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế cho cộng đồng dân cư, nguồn thu từ các di tích cũng được tăng lên.
Còn nhiều di tích cần được bảo tồn, tôn tạo
Những năm qua, bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và của nhân dân, nhiều di tích đã được quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo; một số di tích đã được phê duyệt đầu tư kinh phí. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế cho thấy, hiện tỉnh ta vẫn còn nhiều di tích đang nằm trong tình trạng báo động về sự xuống cấp và có nhu cầu cấp thiết cần được đầu tư, tu bổ, tôn tạo.
Di tích Nhà thờ và lăng mộ Vũ Duy Thanh thuộc thôn Vân Bòng, xã Khánh Hải (Yên Khánh) đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, là nơi thờ Bảng nhãn Vũ Duy Thanh - người đã từng được giao giữ chức Hàn Lâm Viện thị độ; Quốc Tử Giám tư nghiệp; Quốc Tử Giám tế tử kiêm trông coi việc học hành ở Quốc Tử Giám. Nhà thờ Vũ Duy Thanh là công trình có giá trị cao về kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX và còn lưu giữ được một số hiện vật liên quan khi ông còn sống. Đặc biệt mộ phần, ngoài ý nghĩa là nơi an táng ông, hiện còn bản văn bia có giá trị ghi lại lịch sử, thân thế và sự nghiệp của ông, là một hiện vật quan trọng có giá trị lịch sử cao, là nơi chiêm bái của nhiều người khâm phục tài năng và đức độ của ông. Tuy nhiên, cả phần mộ và Nhà thờ Vũ Duy Thanh đều đã có gần 120 năm nên mặc dù đã được trùng tu nhưng vẫn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Các cấu kiện gỗ trong nhà thờ bị vỡ, mục, mọt; tường nhà bị bong tróc; nền hiên, chân tường bị sụt lún; đầu hồi bị nhà dân xây đè lên; cổng vào khu lăng mộ thấp hơn so với mặt đường…
Cột của tòa tiền đường chùa Kiến Ốc, xã Khánh Trung (Yên Khánh) đã bị xuống cấp...
Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và huyện Yên Khánh, hồ sơ Di tích Lăng mộ và Nhà thờ Bảng nhãn Vũ Duy Thanh đã được hoàn thiện. Theo đó, quy mô xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích Khu nhà thờ gồm nhà thờ, tường rào, sân, cổng, nhà tiếp lễ và tiếp khách…; Khu lăng mộ gồm lăng đá, mộ đá, lan can đá xung quanh mộ, nghi môn đá, miếu thần linh, sân, cổng, tường rào, cây xanh… với kinh phí khoảng 18 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện từ năm 2013 đến 2015, do UBND huyện Yên Khánh làm chủ đầu tư. Kinh phí đầu tư cho dự án từ nguồn ngân sách của Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo sẽ khắc phục tình trạng xuống cấp đối với các hạng mục công trình, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, tri ân danh nhân là người con quê hương Ninh Bình đã có công lao to lớn đối với đất nước, với dân tộc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn chưa thể khởi động vì phải …chờ Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch phê duyệt.
Về xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh), chúng tôi tới thăm chùa Kiến ốc. Chùa nằm trong chuỗi 79 di tích cấp Quốc gia. Tuy không lớn, nhưng từ lâu ngôi chùa đã là nơi để nhân dân trong vùng và phật tử tứ phương tụ về cầu phúc. Trải qua hàng trăm năm, dưới sự tác động của thiên nhiên và con người, hiện ngôi chùa đang bị xuống cấp. Toàn bộ tòa tiền đường ở chùa bị nghiêng, bong tróc các mảng vữa, trang trí hoa văn bị vỡ đã nhiều năm nay; mái nhà bị nứt, khi mưa dột phải lấy xô, chậu hứng; hệ thống mộng hở, hoành, xà bị mối, mục. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương và nhà chùa đã tiến hành sửa sang, chằng chống giữ hệ thống cột xà nhưng chỉ là giải pháp tạm thời, nguy cơ đổ tường, sập mái vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đe dọa phá vỡ kiến trúc công trình và sự an toàn của nhân dân khi đến chùa tế lễ…
Phủ Vườn Thiên, thôn Yên Thượng, xã Trường Yên (Hoa Lư) là nơi thờ Kình Thiên Đại Vương, con trai thứ nhất của vua Lê. Phủ Kình Thiên được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2001, là một trong những di tích nằm trong Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, vì vậy các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian lễ hội truyền thống diễn ra tại Phủ cùng nằm trong những chương trình lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư. Vào những năm cuối của triều Nguyễn, di tích đã được tu sửa. Đến năm 1993, các cụ cao tuổi ở địa phương đã vận động các hộ gia đình ở thôn, xã góp công lợp lại mái, thay một số cấu kiện của kiến trúc. Ngoài ra, nhân dân cũng tu sửa sân trước Phủ, đắp cao phần đất phía trước sân, đảm bảo di tích luôn được sạch sẽ. Tuy vậy, hiện nay, con đường dẫn vào di tích là đường đất, nhỏ và hẹp nên rất khó đi, nhất là về mùa mưa; một số cấu kiện kiến trúc gỗ đã mục mọt; đồ thờ còn nghèo nàn....
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích ở chỗ, đây là di sản cấp Quốc gia nên việc tiến hành tu bổ, tôn tạo phải bảo đảm đúng quy trình nghiêm ngặt, theo đúng hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, tránh làm biến dạng di tích. Mặt khác, nguồn ngân sách của Nhà nước cấp cho việc trùng tu, tôn tạo di tích còn eo hẹp cũng đang là trở ngại không nhỏ cho quá trình triển khai…
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, thời gian, nhiều di tích lịch sử văn hóa của tỉnh đang đứng trước nguy cơ bị xuống cấp trầm trọng. Thực tế này đặt ra cho các cấp, các ngành và toàn xã hội những thách thức không nhỏ trong việc gìn giữ, bảo tồn và trùng tu di tích. Bên cạnh đó, mỗi người dân, mỗi gia đình và mỗi dòng họ hãy chung tay, góp sức để giữ gìn các di sản văn hóa, đó là cách thể hiện tình yêu quê hương, lòng tri ân đối với những người có công với nước một cách thiết thực nhất.
Bài, ảnh: Thanh Hà