Đây là một công trình khoa học công phu, nghiêm túc do các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản phối hợp thực hiện trong suốt năm năm từ 1991-1995.
Giáo sư Văn Tạo thay mặt nhóm nghiên cứu trao tặng miễn phí toàn bộ những kết quả của công trình này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, bao gồm cuốn sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam-Những chứng tích lịch sử". Ngoài ra, còn có 80 đĩa CD ghi âm toàn bộ các cuộc phỏng vấn nhân chứng mà đề tài đã thực hiện, gồm 23 đoàn điều tra, hơn 200 điều tra viên, 1.000 nhân chứng lịch sử của nạn đói này. Các cuộc điều tra theo phương pháp xã hội học lịch sử được thực hiện khá kỹ lưỡng.
Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản mà chủ biên là Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furata Motoo của trường Đại học Tokyo đã phải dày công sưu tập, khai thác các tư liệu điều tra, các nhân chứng sống, khảo sát thực địa thuộc 21 tỉnh, thành từ Quảng Trị trở ra trong vòng năm năm.
Dựa vào khối lượng tư liệu phong phú (bao gồm cả tranh ảnh) và với phương pháp nghiên cứu, phương pháp trình bày sát hợp, kết hợp phương pháp phân tích, công trình này đã dựng lại một cách tương đối đầy đủ, có hệ thống về một sự kiện lịch sử mà lâu nay chưa được làm sáng tỏ, nạn đói năm 1945 ở Việt Nam.
Trong giới quản lý, giới khoa học và ngay cả trong các nhân chứng của nạn đói năm 1945, giáo sư Văn Tạo được xem là người hiểu biết tường tận, sâu sắc và đầy đủ nhất về thảm họa này.
Giáo sư Văn Tạo cho biết, công trình này được công bố, chính là bằng chứng khoa học và thuyết phục nhất về nạn đói năm 1945 tại Việt Nam. Nó khẳng định một sự thật lịch sử, đó là nạn đói năm 1945 khiến hơn hai triệu người Việt Nam chết đói, chứ không phải chỉ là 20.000 người như nhiều giả thuyết đặt ra.
Lễ phát động ngày cứu đói ở Nhà hát Lớn Hà Nội.
Người dân chờ đợi cấp phát lương thực.
Đây là một tư liệu rất quý giá về lịch sử Việt Nam và đặc biệt, nó khẳng định sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ của tư tưởng Hồ Chí Minh, một đề tài rộng lớn và vô tận với không chỉ các nhà khoa học Việt Nam mà còn đối với các nhà khoa học trên thế giới.
Theo Nhandan