Điều khiến người viết không ngớt băn khoăn, tự vấn là những ngày qua mình đã viết những gì? Nhưng điều ấy liệu phỏng có ích gì trong đời sống xã hội? Nghề viết vốn nhọc nhằn, người đời vẫn gọi là "lao tâm khổ tứ". Cá nhân người làm nghề viết không phải không có những lúc ngã lòng, chán nản, thất vọng tuy nhiên sau mỗi phút giây như thế, không biết vì lẽ gì, tôi lại quay lại bàn viết. Lại đi, đọc, tìm tòi trăn trở, lại hăm hở viết, lại thấp thỏm chờ ngày "đứa con tinh thần" của mình ra đời...Và mỗi lần như vậy người viết lại trải qua cảm giác y như ngày còn mới vào nghề.
Nghề viết, nhất là hoạt động báo chí trong thời buổi kinh tế thị trường, nếu ai đó nói rằng mình đứng ngoài mọi sự tác động thì tôi e rằng đó chỉ là "nói cứng" hay thái độ thiếu thành thật. Tuy nhiên có một thực tế là để tránh được những thói thường với muôn vàn sự cám dỗ thì hàng ngày, hàng giờ những người làm nghề viết luôn phải đấu tranh với chính bản thân mình để vượt qua cái gọi là "mặt trái của cơ chế thị trường" kia.
Nghề báo là một nghề đặc biệt, nghề nguy hiểm, nhà báo là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng...sẽ còn có nhiều cách định nghĩa khác hay ho về nghề viết. Điều ấy đúng! Thậm chí nó như một chân lý mặc nhiên không ai có quyền nghi ngờ. Bởi nếu nó không đúng, thời tất nhiên, nghề báo đã không thể tồn tại lâu và sẽ không có nhiều người vì nó mà gắn bó như một nghiệp dĩ của cả đời. Nhưng ở một góc độ khác, cũng phải nhìn nhận rằng nó cũng là một nghề. Có nghĩa là có thể được nhiều người theo đuổi, được các nhà trường đào tạo, được những người học nghề báo "thực hành" những gì đã học.
Điểm khác ở nghề báo so với nghề khác ở chỗ, với những ngành nghề khác, người ta có thể không yêu, không tin song vẫn làm, thậm chí việc làm đó đôi khi còn mang lại cho họ giàu có. Người viết báo thì khác, tôi e rằng, ít người viết nào có đủ sức chịu đựng, có thể viết trong một thời gian dài mà lại không có niềm tin với nghề, hoặc không tin vào điều mình viết. Bởi vậy mấu chốt của nghề cầm bút nói chung và nghề báo nói riêng vẫn là niềm tin về những lý tưởng mà mình đang theo đuổi. Tôi không tin rằng có một nhà báo khi đặt bút viết (hay ngồi vào bàn phím), lại thiếu một niềm tin vào điều mình sắp viết ra. Bởi nếu quả thật như vậy, thì việc làm nghề trở nên là một cực hình! Bởi vậy một bài báo khi ra đời, không ít thì nhiều, nhất định có sẽ có một ích lợi với xã hội.
Tất nhiên nói đi rồi cũng nên nói lại rằng không phải bất cứ bài báo nào cũng đều có sức nặng, bởi nó còn tùy thuộc vào khả năng, tâm huyết của từng nhà báo. Đã từng có hiện tượng, có những bài báo mà sức ảnh hưởng nó rất ít hoặc hoàn toàn bị quên vào quên lãng ngay sau khi ra đời. Và cũng đã từng có hiện tượng một vài nhà báo còn không giữ được sự công tâm của ngòi bút trước sự cám dỗ của vật chất, danh vọng...
Tuy nhiên những người làm nghề viết vẫn thiết tha với một niềm tin rằng, câu chuyện đó chỉ là thiểu số, còn những nhà báo tận tâm với nghề, suốt đời sống chết với nghề thì nhiều vô kể. Và dù hàng ngày hàng giờ họ vẫn lao động một cách miệt mài, thầm lặng, thì xã hội cũng không bao giờ lãng quên họ. Và hơn ai hết họ vẫn mang một niềm tin về những điều mình đã làm (đã viết) sẽ có ích. Tôi nghĩ, trong hành trình dài cô đơn và nhọc nhằn của nghề viết, điều làm một nhà báo gắn bó với nghề vẫn là niềm tin về lý tưởng mà họ lựa chọn, niềm tin về thiên chức mà xã hội tin tưởng và gửi gắm cho nghề báo. Chính niềm tin đó là thứ "năng lượng" giúp nhà báo nuôi dưỡng cảm hứng, nhiệt tâm với nghề, đủ sức gắn bó lâu dài với nghề vốn nhọc nhằn và (đôi khi) nguy hiểm bậc nhất này.
Mai Phương