2 năm qua, Chiến lược phát triển TGPL Việt Nam đến năm 2020, định hướng năm 2030 đã đánh dấu bước phát triển mới của công tác TGPL. Chiến lược đã xác định các quan điểm phát triển đúng đắn, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và bản chất của công tác TGPL. Phần lớn các mục tiêu, chỉ tiêu giải pháp đề ra trong Chiến lược đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Để nâng cao nhận thức của cán bộ các cơ quan, tổ chức về hoạt động TGPL và nhận thức của người dân về quyền được TGPL, thời gian qua, các Bộ, ban, ngành của Trung ương đã tích cực triển khai các hoạt động truyền thông về TGPL.
Đến nay, 43% xã, phường, thị trấn trong toàn quốc và 87% cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, nhà tạm giữ đã lắp đặt Bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại UBND và nơi tiếp dân.
Cả nước có 277 tổ chức hành nghề luật sư, 40 trung tâm tư vấn pháp luật, tăng 22% so với trước khi có Chiến lược; 4.345 câu lạc bộ TGPL; 483 trợ giúp pháp lý… Trong 2 năm, các tổ chức TGPL thực hiện được 231.830 vụ việc, tăng 18% so với trung binh năm trước khi có Chiến lược…
Tại Ninh Bình, được sự quan tâm của UBND tỉnh, của Bộ Tư pháp, sự phối kết hợp của các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, chỉ tiêu hoạt động TGPL đã đề ra trong Chiến lược, từng bước đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Luôn đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 văn phòng luật sư đăng ký tham gia TGPL; 40 câu lạc bộ TGPL. Thực hiện Chiến lược phát triển TGPL đến năm 2020, Trung tâm TGPL tỉnh phối hợp với phòng Tư pháp và UBND cấp xã hướng dẫn thành lập 9 câu lạc bộ TGPL.
Ngoài ra, Sở Tư pháp đã phát triển mạng lưới cộng tác viên TGPL ở cơ sở đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định Luật TGPL. Trong năm 2011- 2013, Sở Tư pháp đã tổ chức 22 lớp tập huấn bồi dưỡng về TGPL và cập nhật kiến thức các văn bản pháp luật. Trung tâm TGPL đã thực hiện TGPL 1.261 vụ việc cho 1.261 trường hợp….
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Uông Chu Lưu , UVT.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã ghi nhận những kết quả đã đạt được sau 2 năm triển khai thực hiện chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đếnn năm 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời đồng chí cũng lưu ý, hiện nay thị trường dịch vụ pháp lý phát triển rất nhanh, đặc biệt khi nguyên tắc tranh tụng trước tòa và quyền con người, quyền công dân được quy định rõ nét trong Hiến pháp sửa đổi, số lượng luật sư sẽ tăng vượt bậc, ngoài ra nghĩa vụ bắt buộc thực hiện TGPL đã được quy định trong Luật Luật sư 2012.
Do đó, Chiến lược khẳng định xã hội hóa hoạt động TGPL trong giai đoạn 2020 - 2030 là tương đối chậm, cần phải thúc đẩy sớm hơn. Các đơn vị chức năng cần phải nghiên cứu quy mô hệ thống TGPL Nhà nước phù hợp với các vùng, miền và điều kiện thực tế ở các địa phương. Bảo đảm tính ổn định, bền vững, quyền tiếp cận và hưởng TGPL cho mọi công dân đủ điều kiện, nâng cao chất lượng hoạt động TGPL nói chung và chất lượng vụ việc TGPL nói riêng.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong giai đoạn 2014 - 2016, cần phải thực hiện tốt 6 nhiệm vụ cơ bản sau: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về TGPL đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động TGPL; có giải pháp thiết thực nhằm tăng cường huy động các nguồn lực xã hội tham gia TGPL; sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực và ngân sách cho công tác TGPL; rà soát tính hiệu quả của tổ chức TGPL Nhà nước, đội ngũ người thực hiện TGPL; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TGPL; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động TGPL. Đồng chí cũng nêu ra nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017 - 2020 nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về TGPL.
Kiều Ân