Dạo quanh thành phố Ninh Bình không khó để nhìn thấy các biển quảng cáo có chữ nước ngoài được kẻ vẽ, tô đậm, đèn led chạy nhấp nháy cả ngày đêm để gây sự chú ý như: Shop Men, Botique, Baby mart, VN Mart... phóng tầm mắt lên cao là các công trình cao tầng cũng sính tên ngoại như: The Reed, Luxury, Hiddencharm, Royal ... Trong khi đó, quy định của pháp luật Việt Nam về việc sử dụng tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì viết tiếng Việt trước, tiếp đến tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài và khổ chữ tiếng dân tộc thiểu số, khổ chữ tiếng nước ngoài không được lớn hơn khổ chữ tiếng Việt.
Không chỉ có các doanh nghiệp "sính Tây" mà cả trường học bây giờ cũng theo trào lưu. Nhiều trường mầm non tư nhân cũng đặt tên rất tây như: Montessori, Rainbow, Hello Kitty... Mặc dù không phải ai cũng biết ngoại ngữ nhưng đều đọc như đúng rồi. Các cháu học bậc mầm non có muốn đọc để giới thiệu tên trường, e rằng cũng không dễ. Chị Hà Thị Phương, phường Tân Thành chia sẻ: Ngày trước các con học các trường mầm non với cái tên rất đáng yêu, phù hợp với tuổi thơ như: Hoa hồng, Thần tiên, Sóc nâu...nhưng bây giờ các trường phải đặt tên cho nó "Tây" để thu hút sự chú ý của cha mẹ mong muốn cho con học ngoại ngữ. Tuy nhiên những cái tên trường như thế không gợi được trí tưởng tượng cho trẻ đôi khi lại phản tác dụng. Không hiểu, tiếng Việt hết từ hay sao mà nhiều người "sính" từ ngoại đến thế". Luật Quảng cáo đã quy định cụ thể, trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. Thế nhưng điều này dường như đang được thực hiện ngược lại ở một số đơn vị, doanh nghiệp.
Đặc biệt tại các khu du lịch tiêu biểu như Tam Cốc- Bích Động, những cái tên nhà hàng, khách sạn, quán cà phê bằng tên nước ngoài tràn lan không tuân theo một quy định cụ thể nào. Việc các biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm được đặt san sát trên đường phố đã tạo nên những cảm nhận không tốt trong dư luận. Điều này cũng gây rất nhiều khó khăn đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc quản lý. Có thể thấy cái khó ấy qua chia sẻ của một người dân kinh doanh tại khu Bến thuyền Tam Cốc cho biết: "Muốn khách nước ngoài biết mình bán gì thì phải ghi biển hiệu bằng tiếng nước họ. Họ có đọc, có hiểu mới vào ăn... lâu nay chúng tôi vẫn làm vậy nhưng chưa bị nhắc nhở hay nghĩ rằng mình vi phạm.
Thực trạng bảng, biển hiệu, biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo không phải mới diễn ra, tuy nhiên chưa được xử lý triệt để. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao: Thời gian qua, Sở đã thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh việc viết, đặt biển hiệu, bảng quảng cáo sử dụng tiếng nước ngoài như: tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về biểu hiệu, bảng quảng cáo cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch; tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động đặt biển hiệu, bảng quảng cáo. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các địa phương có liên quan tìm cách khắc phục. Mục đích cuối cùng là đưa ra được kế hoạch phối hợp mới sát thực, hiệu quả hơn.
Được biết, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, ngày 2/4/2018 UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Sở y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan thực hiện các nội dung: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định về thể hiện chữ viết Việt Nam và chữ nước ngoài trên biển hiệu, bảng quảng cáo theo quy định tại Điều 18 Luật Quảng cáo.
Theo đó UBND tỉnh chỉ đạo ngành Văn hóa- Thể thao phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành rà soát, chấn chỉnh kích thước, hình thức, vị trí của biển hiệu; xử lý kịp thời biển hiệu chỉ sử dụng tiếng nước ngoài mà không có tiếng việt; kiểm soát chặt chẽ các nội dung quảng cáo khi tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, đặc biệt lưu ý đến nội dung, cách thức thể hiện tiếng nước ngoài.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về quảng cáo và việc sử dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu, bảng quảng cáo trên địa bàn toàn tỉnh, chú trọng các địa bàn trung tâm, các khu điểm du lịch.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm