Năm 2022 đang khép lại, đánh dấu thêm một năm sản xuất nông nghiệp giành nhiều thắng lợi với các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và tình hình kinh tế thế giới, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là một trong những "Trụ đỡ" của nền kinh tế.
Sản xuất nông nghiệp vượt khó giành thắng lợi
Tăng trưởng toàn diện
Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Năm 2022, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ngay đầu năm, từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 các đợt rét đậm, rét hại xuất hiện liên tục, nền nhiệt độ thấp đã làm chậm tiến độ gieo cấy, sản xuất cây màu vụ Đông Xuân 2021-2022 và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Tiến độ làm đất, gieo cấy vụ Mùa ở một số địa phương còn chậm, một số diện tích gieo sạ sớm đầu vụ gặp mưa lớn dẫn đến phải gieo bổ sung. Cùng với đó là giá thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phân bón liên tục tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi duy trì ở mức thấp và nguy cơ cao tái bùng phát dịch bệnh trở lại.
Vượt qua những khó khăn, thách thức đó, ngành Nông nghiệp và PTNT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mang tính đột phá, kỷ lục mới. Cụ thể là, tốc độ tăng trưởng ngành đạt trên 3%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng và đạt những cột mốc mới.
Trong đó lĩnh vực trồng trọt đã phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với thời tiết khí hậu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường kiểm soát và phòng trừ dịch hại, vì vậy, sản lượng các loại nông sản đáp ứng dồi dào nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Cơ cấu sản phẩm tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh ước đạt 92,6 nghìn ha, đạt 98,6% kế hoạch, giảm 1,4% so với năm 2021. Sản lượng lương thực có hạt đạt 452,6 nghìn tấn, giảm 10 nghìn tấn so với năm 2021. Giá trị lĩnh vực trồng trọt ước đạt hơn 4.882 tỷ đồng, tăng 0,3% so với năm 2021.
Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp mỗi năm đều giảm, sản lượng giảm nhưng lĩnh vực trồng trọt vẫn đạt được tăng trưởng. Đó là nhờ thay đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững, gắn với thị trường. Diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao tiếp tục được mở rộng lên 75% tổng diện tích gieo cấy; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang mục đích nông nghiệp khác mang lại giá trị cao hơn 3-4 lần so với sản xuất lúa; năm 2022 toàn tỉnh chuyển đổi 534,26 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các hình thức khác như: trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản... Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được đẩy mạnh; đã hình thành được các tổ hợp liên kết kéo dài chuỗi giá trị trong sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao. Đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 1.700 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ.
Mặc dù ngành chăn nuôi chịu tác động rất lớn từ cuộc xung đột Nga - Ucraina khiến giá thức ăn, nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng cao nhưng với việc triển khai các giải pháp đồng bộ, cùng sự nỗ lực vượt khó của người nông dân, chăn nuôi được phục hồi và phát triển. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 2.180,1 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2021. Tổng đàn lợn ước đạt 274,8 nghìn con, tăng 5,5%; sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 40,3 nghìn tấn, tăng 4,1%. Tổng đàn trâu, bò và đàn gia cầm đều tăng so với năm 2021, cụ thể: đàn trâu khoảng 12,8 nghìn con, tăng 1,2%; đàn bò khoảng 37,1 nghìn con, tăng 1,5%; đàn gia cầm 6,6 triệu con, tăng 1,7%; đàn dê khoảng 23,1 nghìn con; sản lượng trứng 161 triệu quả, tăng 4,5% so năm 2021.
Lĩnh vực thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, khẳng định là mũi nhọn của ngành nông nghiệp. Diện tích duy trì ổn định, tuy nhiên đã chuyển đổi mạnh từ hình thức nuôi quảng canh, bán thâm canh sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh năng suất cao, do đó sản lượng đều tăng ở cả vùng nước ngọt và nước mặn lợ. Sản lượng thủy sản ước đạt 67,2 nghìn tấn, tăng 6,3% so năm 2021; đạt 102,7% so với kế hoạch. Trong đó sản lượng nuôi trồng 60,79 nghìn tấn, tăng 7,1% so với năm 2021, khai thác 6,5 nghìn tấn, giảm 1,37% so với năm 2021. Diện tích nuôi tôm trong nhà lưới, nuôi qua đông tiếp tục được mở rộng, đạt 64,5 ha, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị tôm. Sản xuất giống nhuyễn thể tiếp tục phát triển mạnh do thị trường được mở rộng, quy trình ngày càng được hoàn thiện và trình độ của người dân được nâng cao. Trong năm đã sản xuất được 107,4 tỷ nhuyễn thể giống, tăng 0,3% so với năm 2021. Kim Sơn đang dần trở thành trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể của cả nước. Vùng nuôi ngao huyện Kim Sơn đã được chứng nhận ASC cho 839 ha, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trên toàn thế giới.
Chăm sóc ngô vụ đông ở HTX Thọ Bình, Yên Phong (Yên Mô) Ảnh: Minh Đường
Tiếp tục nỗ lực lập thành tích mới
"Với mục tiêu của tỉnh là đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước, năm 2023 và những năm tiếp theo ngành Nông nghiệp sẽ đối diện với những thách thức lớn, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội để phát triển. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng xác định sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn của biến đổi thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và tình hình thế giới… đòi hỏi toàn ngành và bà con nông dân tích cực thi đua hơn nữa, lập thành tích mới, đóng góp vào sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh và của cả nước." Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 2% trở lên năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và gắn với phục vụ du lịch.
Trong đó quan tâm đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm chủ lực theo tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp gồm: lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, dứa và rau quả ứng dụng công nghệ cao, trâu, bò, lợn, gia cầm trứng gia cầm, cá nước ngọt, tôm, ngao, giống nhuyễn thể (ngao, hàu), môi trường rừng, gỗ, sản phẩm ngoài gỗ.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng; đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng; nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm và phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh, khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm từ khu vực nông thôn; Đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp triển khai kịp thời các cơ chế chính sách một cách hiệu quả, đồng thời tham mưu, ban hành và thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cũng như hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất khi có thiên tai, dịch bệnh, tạo niềm tin của người sản xuất, người tiêu dùng và du khách đến với Ninh Bình.
Tiếp tục huy động nguồn lực để tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực chất, chiều sâu, theo hướng nâng cao, kiểu mẫu. Thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP. Đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn, từng bước đưa nông thôn tiệm cận với đô thị.