Ông Nguyễn Bình, Cục phó Cục Thống kê tỉnh cho biết: Dự kiến kế hoạch thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 trên địa bàn tỉnh là 16.253 tỷ đồng (giá cố định năm 1994). Đến hết quý IV, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt trên 15,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,06% so với cùng kỳ và đạt 95,7% kế hoạch. Công nghiệp nhà nước tăng mạnh ở mức 22,8% so với năm trước đã thể hiện được vai trò thúc đẩy các thành phần kinh tế khác. Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao và đạt 38,5% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm có mức tăng cao so với năm trước là: quần áo các loại tăng 31,8% và vượt 55,3% kế hoạch; Phân u rê gấp 2,4 lần; phân NPK tăng 24,9%; thép cán các loại gấp 2,3 lần; giầy vải tăng 17,1%; xi măng tăng 6,3%... Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực lại đạt thấp và giảm so với năm trước là: Ô tô giảm 38,8% và chỉ đạt 48,7% kế hoạch; kính xây dựng giảm 19% và chỉ đạt 70% kế hoạch; cần gạt nước ô tô giảm 14,7%; bộ phận cần cẩu, cẩu trục giảm 35,9%; gạch đất nung giảm 8,6% và chỉ đạt 74,2% kế hoạch; đá các loại giảm 6,1% và chỉ đạt 60% kế hoạch. Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh không đạt so với dự kiến kế hoạch đề ra, nhưng so cùng kỳ năm trước vẫn tăng trưởng đều và khá, nhất là về những tháng cuối năm. Điều đó chứng tỏ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh về cuối năm đã có dấu hiệu phục hồi. Trong khó khăn, trước tình hình suy thoái kinh tế, các lĩnh vực sản xuất: May mặc, giầy vải, phân bón... ít bị ảnh hưởng vẫn duy trì được sản xuất, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh. Một số lĩnh vực có giá trị sản xuất lớn như ô tô, cần gạt nước ô tô, bộ phận cần cẩu... sản xuất bị ngưng trệ do khó khăn trong tiêu thụ nên ảnh hưởng lớn đến giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển cần tập trung tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm công nghiệp chủ lực; trong đó chú trọng các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, thuế, đất đai, cải cách hành chính... Tăng cường giám sát hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký thành lập và kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm hàng tồn kho, ổn định sản xuất, nhất là các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp, như: xi măng, thép, phân đạm, lắp ráp ô tô... Huy động tổng lực các nguồn vốn xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng kinh tế biển và nhất là khu công nghiệp sạch Phúc Sơn nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất ở khu công nghiệp sạch, công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến độ thi công và tháo gỡ khó khăn cho các dự án: nhà máy sản xuất Camera module, Phân bón NPK Bình Điền, luyện cán thép chất lượng cao, đạm Ninh Bình, ô tô Thành Công, giầy Adora mở rộng... sớm hoàn thành để đi vào sản xuất. Nghiên cứu xây dựng và bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của từng vùng; phát triển những sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông-lâm-thủy sản.
Trường Sinh