Hội thi cũng là diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên cả nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
Có mặt tại hội thi "Hòa giải viên giỏi" huyện Hoa Lư, chúng tôi nhận thấy không khí dự thi ở đây rất sôi nổi, hào hứng. Các đội thi đã chuẩn bị cho mình những màn chào hỏi, tiểu phẩm công phu với mục đích thể hiện tốt nhất các phần thi nhằm thuyết phục Ban giám khảo.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức Hội thi huyện Hoa Lư cho biết: Hội thi có 11 đội thi đến từ 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Với phần thi trắc nghiệm, các đội thi bốc thăm câu hỏi trắc nghiệm do Ban tổ chức Hội thi đưa ra có nội dung là các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường..., sau đó các đội thi có 10 giây để chuẩn bị và đưa ra phương án trả lời bằng hình thức giơ bảng. ở phần thi xử lý tình huống, mỗi đội thi căn cứ vào tình huống cụ thể mà đội thi đã bốc thăm, từ đó đưa ra cách hòa giải phù hợp.
Đặc biệt hấp dẫn hơn cả là phần thi tiểu phẩm do các đội thi dàn dựng, đó có thể là các vụ việc đã được các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận và thực hiện hòa giải hoặc là những vụ việc có nội dung sát với thực tiễn, đúng pháp luật, thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Chỉ với 6-8 phút nhưng nhiều tiểu phẩm đã được dàn dựng công phu, mang tính nghệ thuật cao, diễn xuất hấp dẫn, sinh động, thuyết phục, có sức lan tỏa lớn, bảo đảm có sự liên kết và thống nhất giữa chủ đề với nội dung, hình thức và thông điệp cần truyền tải. Tiêu biểu như tiểu phẩm "Chuyện về rác" của đội xã Ninh Khang; "Qua cơn bão giông" của đội xã Ninh Hải; "Chuyện làng tôi" của đội xã Ninh Xuân…
Chị Phạm Thị Miến, Đội trưởng đội thi xã Ninh Xuân, đội đạt giải nhất hội thi của huyện Hoa Lư cho biết: Đội chúng tôi gồm 7 thành viên là những hòa giải viên đến từ 4 thôn của xã. Ngay sau khi nhận được kế hoạch tổ chức Hội thi của huyện, xã đã thành lập Đội thi, bắt đầu tập luyện từ đầu tháng 7-2016. Vì đều là các thành viên đã và đang tham gia công tác ở các đoàn thể phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… của các thôn nên chúng tôi đã tranh thủ tập vào các buổi tối; vừa tập vừa sửa, với quyết tâm đạt kết quả cao nhất. Tiểu phẩm "Chuyện làng tôi" của đội tham dự Hội thi là câu chuyện mâu thuẫn, tranh chấp về thừa kế tài sản có thật giữa mẹ chồng và con dâu, sau khi bà nội qua đời để lại di chúc cho gia đình cháu nội hai sào ruộng, nhưng bà mẹ chồng cho rằng việc để lại di chúc của bà nội là không hợp pháp và đạo lý truyền thống của dân tộc nên hằn học, chửi mắng, xua đuổi các con. Mâu thuẫn đỉnh điểm khi bà mẹ chồng từ mặt các con và yêu cầu đưa vụ việc ra chính quyền địa phương giải quyết. Theo yêu cầu của bố chồng, các hòa giải viên đã tiến hành hòa giải. Với sự phân tích có lý, có tình của hòa giải viên, vừa vận dụng quy định của Bộ luật Dân sự và nêu cao được truyền thống hòa hiếu của dân tộc ta "một giọt máu đào hơn ao nước lã", "lọt sàng xuống nia",…từ đó bà mẹ chồng đã hiểu ra và tình mẹ con lại được duy trì, gia đình hòa thuận như xưa.
Đồng chí Nguyễn Hùng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Ban tổ chức Hội thi tỉnh cho biết: Xác định Hội thi hòa giải viên giỏi không chỉ là diễn đàn để các hòa giải viên gặp gỡ, giao lưu văn hóa pháp lý, trao đổi kinh nghiệm hòa giải, nâng cao kiến thức pháp luật mà Hội thi còn là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức cũng như toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở và thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính vì vậy, ngay sau khi ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về Hội thi, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác truyền thông về Hội thi bằng nhiều hình thức như: đăng tải văn bản chỉ đạo cuộc thi, Bộ câu hỏi, gợi ý đáp án…trên trang thông tin của Sở; phối hợp với Đài PT-TH tỉnh xây dựng các phóng sự, clip về hội thi; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin bài, phóng sự giới thiệu về hội thi trên Báo Ninh Bình; phối hợp với Đài phát thanh cùng cấp tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa Hội thi trên hệ thống truyền thanh hai cấp; lồng ghép vào hội nghị giao ban công tác chuyên môn hàng tháng, hàng quý của các ngành; tiến hành căng treo băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, tuyến đường chính tại địa phương…
Hội thi được tổ chức ở cấp huyện và cấp tỉnh, theo hình thức sân khấu hóa và thi tập thể theo đội. Sau khi kết thúc Hội thi ở cấp huyện, mỗi huyện, thành phố lựa chọn một đội thi đạt giải tham gia Hội thi cấp tỉnh vào cuối tháng 8-2016 để chọn ra đội thi xuất sắc tham dự Hội thi vòng sơ khảo và chung khảo toàn quốc vào tháng 10-2016.
Với sự thành công của Hội thi cấp huyện, với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành nói chung và sự quyết tâm, nhiệt tình của Ban Tổ chức Hội thi các cấp nói riêng, tin rằng, Hội thi "Hòa giải viên giỏi" cấp tỉnh được tổ chức trong thời gian cuối tháng 8-2016 sẽ thu hút được sự tham gia đông đảo của các hòa giải viên ở cơ sở; nhận được sự quan tâm, cổ vũ, hưởng ứng sôi nổi của các tầng lớp nhân dân, từ đó tiếp tục khẳng định ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc của công tác hòa giải ở cơ sở trong cuộc sống hiện nay.
Mỹ Hạnh