Những luống hoa đang khoe sắc kia là để bán vào những ngày thường, còn hoa phục vụ Tết thì giờ mới ra nụ. Thời điểm này, bà con đang chăm sóc hoa, phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Hoa bán quanh năm, nhưng để có hoa bán đúng vào dịp Tết thì đòi hỏi bà con phải có kinh nghiệm và phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc. Có như vậy, hoa mới nở đúng dịp và đẹp: Bông to, lá xanh, bóng…".
Cứ vào dịp giáp Tết, xã Ninh Phúc lại nhộn nhịp hẳn lên. Khách đến xem và đặt mua hoa đông nườm nượp. Giờ đây, khách hàng không chỉ là những người nội tỉnh, mà còn có cả khách đến từ các tỉnh miền Trung. Đồng chí Vũ Văn Tài cho biết: "Phải từ ngoài 20 âm lịch trở đi, khách mới đến lấy hoa theo đơn đặt hàng. Mỗi ngày, có hàng chục chuyến xe ô tô, vài chục lượt xe máy… chở hoa Ninh Phúc đi khắp mọi nẻo đường".
Đến thăm ruộng hoa nhà bác Trịnh Văn Điền, một trong những "lão làng" trong nghề trồng hoa. Bác đang tỷ mỉ tỉa nhánh cho luống cúc. Bác cho biết: "Số cúc này sẽ nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán, tôi phải tỉa bớt nụ để hoa to, mỡ màng. Sau khi trồng, tôi áp dụng kỹ thuật thắp điện 24/24 giờ để kích thích sự tăng trưởng và phát triển của cây. Khi cây đạt chiều cao theo đúng tiêu chuẩn thì không thắp điện nữa. "Công nghệ" này là do bà con tự rút ra trong quá trình làm nghề thôi và thực sự tôi thấy rất hiệu quả. Nghề trồng hoa rất công phu. Ngày nào cũng phải có mặt ở đồng để kiểm tra sâu bệnh, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây để kịp thời điều chỉnh, chứ không phải cứ bón nhiều phân lân, nhiều nước… là cây đã tốt. Năm nay tôi chỉ trồng một loại hoa cúc thôi. Cũng có vài khách hàng đến xem và đặt hàng rồi. Giá hoa năm nay sẽ cao hơn mọi năm đấy…".
Theo đồng chí Vũ Văn Tài, năm nay giá hoa dự báo sẽ cao bởi lẽ lượng hoa năm nay khả năng giảm một nửa so với những năm trước. Đầu tháng 11, những trận mưa lớn kéo dài đã làm giảm 80% diện tích trồng hoa ở Ninh Phúc. Sau đợt mưa, giá các loại hoa giống cũng bị đẩy lên cao, do đó nhiều hộ không đủ khả năng để trồng lại. Đối với những hộ trồng bổ sung nhưng do trồng quá thời vụ nên hoa khó nở đúng vào dịp Tết. Theo tính toán, nếu như năm ngoái 1 sào hoa sẽ thu hoạch được 7-8 triệu đồng, thì năm nay trên cùng diện tích đó sẽ thu được khoảng 20-30 triệu đồng.
Làng hoa Ninh Phúc được hình thành rất ngẫu nhiên. Vốn được thiên nhiên ban tặng cho đất đai trù phú, màu mỡ, xã Ninh Phúc đã phát triển nghề trồng rau xanh từ rất sớm. Nơi đây vốn được coi là "vựa" rau lớn nhất của tỉnh. Mỗi nhà, trung bình trồng từ 7-8 sào rau các loại. Thị trường tiêu thụ rộng, nên trồng rau được coi là nghề "sống khỏe". Nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu cũng từ nghề trồng rau. Nhưng rồi, sự "hấp dẫn" của nghề trồng rau, không chỉ riêng người Ninh Phúc nhìn thấy. Nhiều "vựa" rau mới ở các địa phương khác cũng được hình thành. Một số người dân Ninh Phúc đã chuyển hướng sang trồng hoa. Từ một vài hộ trồng "thí điểm" thành công, các hộ khác cũng làm theo. Đến nay, xã Ninh Phúc đã có hơn 30 mẫu đất trồng hoa.
Anh Trịnh Văn Điệp - một hộ trồng hoa tâm sự: "Gia đình tôi có 7 sào ruộng. Ban đầu, tôi chỉ dành 2 sào để trồng hoa. Năm nào hạch toán cũng thấy có lãi, mặt khác kinh nghiệm trồng hoa cũng được tích lũy "kha khá" nên tôi tự tin chuyển toàn bộ diện tích sang trồng hoa. Tháng 9 vừa rồi, gia đình tôi đã mua được ô tô để vận chuyển hoa ra tỉnh ngoài. Tuy chất lượng hoa của Ninh Phúc ngày càng được khẳng định, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng, nhưng nếu so sánh với hoa ở các địa phương khác như: Hà Nội, Vĩnh Phúc… thì hoa Ninh Phúc vẫn chưa đẹp bằng. Đơn cử như loại hoa hồng. Hoa hồng Vĩnh Phúc, Hà Nội rất đẹp, nhưng ở Ninh Phúc thì hoa hồng phát triển chậm, hiệu quả thấp. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ về khoa học kỹ thuật từ các ngành chức năng để có thể phát triển tốt nghề trồng hoa".
Cùng quan điểm với anh Điệp, nhiều triệu phú "chân đất" khác cũng cho rằng, họ rất cần có những kỹ sư giúp đỡ họ nghiên cứu về chất đất, về khí hậu… để tìm ra loại hoa thích nghi, cho năng suất cao. Họ mong muốn được tham gia vào các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ để có thêm kiến thức phục vụ cho nghề trồng hoa. Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm. Bởi lẽ, diện tích đất tự nhiên của Ninh Phúc ngày càng bị thu hẹp phục vụ Khu công nghiệp. Một khi diện tích đất giảm, thì yếu tố cần được nâng cao đó chính là năng suất, là chất lượng. Nhưng để có năng suất, chất lượng thì riêng sự nỗ lực của người dân thôi là chưa đủ, mà đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, của các nhà chuyên môn.
Thu Hằng