Trong ký ức của tôi, làng quê thật yên bình và mát mẻ: Có con sông nước chảy trong xanh là nơi chúng tôi thường nô đùa tắm mát, có những rặng tre xanh cứ chiều hè người dân hay ngồi hóng gió. Nhưng giờ đây hình ảnh đó đã đi vào dĩ vãng, thay vào đó là ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Giờ đây khi về những vùng quê không khó khăn gì để tìm ra một bãi rác tự phát của người dân, nó xuất hiện khắp mọi nơi: ở đầu đê, bờ sông, đầu ruộng. Những túi nilon, chai lọ bằng nhựa, các sản phẩm được sản xuất bằng vô cơ khó phân hủy hoặc thời gian phân hủy lâu đang trôi nổi ở những kênh, ngòi, ở những con đường, ngõ xóm.
Người dân vứt rác sinh hoạt bừa bãi khắp nơi, một số gia đình ở gần sông, hồ hoặc các mương nước đi qua thì vứt rác xuống, không hề quan tâm đến hậu quả lâu dài. Nhiều gia đình đã gom rác vào các bao bì rồi chở đi đổ nơi khác. Cả những con vật như lợn, gà, vịt bị chết cũng được mang vứt dưới lòng sông, mương lâu ngày bốc mùi hôi thối và gây ách tắc dòng chảy. Bên cạnh đó là rác thải ở các chợ cũng đã đến hồi báo động, các đống rác được chất đống nhiều ngày không được thu gom bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh chợ. Rác hiển hiện ở khắp mọi nơi, ở trong làng, ngoài ngõ, ở chợ và rác cũng tràn ra ngoài đồng (nông dân sau khi phun thuốc trừ sâu bảo vệ mùa màng đã tiện tay vứt bỏ các vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật ngay tại chân ruộng hoặc bờ mương).
Tình trạng vứt rác bừa bãi của một bộ phận người dân nông thôn không chỉ làm ảnh hưởng đến cảnh quan nông thôn mà còn tác động xấu đến môi trường sống của, hủy hoại môi trường trong lành của những làng quê. Các dòng nước sông, ngòi, kênh, mương bị ô nhiễm, nước chuyển sang màu vàng hoặc đen xì, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển, làm cho nguồn nước ngọt dần dần bị khan hiếm. Trong khi đó, số dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chỉ chiếm tỷ lệ 26% (số dân nông thôn trong toàn tỉnh), còn lại 74% người dân phải dùng nước giếng đào, nước ao hồ, sông ngòi hoặc nước mưa để sinh hoạt. Chính vì vậy, nguồn nước ngọt bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân nông thôn vì đây là nơi ủ các mầm bệnh gây ra những bệnh về da, bệnh đường ruột, bệnh đau mắt, bệnh phụ khoa, đặc biệt ở những nơi có tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật cao có thể gây ra bệnh ung thư...
Trước thực trạng đó, rác thải nông thôn không còn là chuyện nhỏ, chuyện của riêng ai mà cần được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành. Nếu không kịp thời xử lý thì chỉ một vài năm nữa việc xử lý rác thải sẽ rất tốn kém, phức tạp và trên hết ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư và cảnh quan, môi trường sống của người dân nông thôn.
Hiện tại, việc thu gom rác thải ở các vùng nông thôn trong tỉnh còn rất khiêm tốn, tỷ lệ các thôn, xóm tổ chức thu gom rác thải thấp. Tính đến năm 2008, toàn tỉnh có tỷ lệ thu gom rác thải đạt 21%, tức là 262/1.299 thôn có tổ chức thu gom rác thải. Toàn tỉnh đã tổ chức hỗ trợ xây dựng được 9 mô hình điểm thu gom rác quy mô thôn xóm ở 8 xã và đã nhân rộng được trên 30 mô hình trong phạm vi tỉnh. Nhận thức được tầm quan trọng trong bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan "xanh, sạch, đẹp", một số xã đã và đang vận động thành lập các tổ thu gom rác thải, xây dựng các công trình thoát nước trong các thôn như: Xã Ninh Tiến, Ninh Hải, Khánh Phú, Gia Thịnh...
Cùng với sự phát triển kinh tế chung của tỉnh, các xóm làng nông thôn cũng đang trên đà đổi mới, xuất hiện ngày càng nhiều các làng nghề (theo tiêu chí làng nghề, đến nay Ninh Bình đã có 50 làng nghề). Tại làng nghề, vấn đề ô nhiễm đang trở thành vấn đề cần quan tâm giải quyết. Nhưng đến nay mới chỉ có một công trình thí điểm thu gom nước thải làng nghề thôn Văn Lâm - xã Ninh Hải được xây dựng, vì vậy tỷ lệ làng nghề trong tỉnh được thu gom xử lý rác và nước thải đạt thấp (2%).
Tuy nhiên việc thu gom rác thải ở những thôn xóm, làng nghề này vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Hố rác tập trung của các xã chưa được xây dựng đúng theo yêu cầu kỹ thuật, chỉ mới đào hố để chứa rác, đáy hố chưa được xử lý để chống thấm, chưa có rãnh thu gom, xử lý nước của các hố thu rác, hố chứa rác chưa được chôn lấp hoặc có xã chỉ quy hoạch chỗ đổ chứ không đào hố mà rác được vứt lộ thiên. Hầu hết lượng rác thải không được phân loại xử lý, hình thức được sử dụng nhiều nhất là đốt hoặc chôn lấp. Không những thế ngay vị trí đổ rác thải, hầu hết không được khảo sát để tránh ảnh hưởng đến khu dân cư và nguồn nước.
Ông Lương Văn Căn, xóm Bến, xã Khánh Dương (Yên Mô) cho biết: Tôi được xã thuê trông coi và hướng dẫn người dân đổ rác đúng nơi quy định, mỗi tuần rác được đổ và đốt một lần. Hầu như các xóm, thôn ở xã đã thành lập đội thu gom rác, có xóm do Hội Phụ nữ nhận, có xóm chỉ một vài cá nhân đứng ra nhận. Mỗi gia đình đóng từ 2.000 - 3.000 đồng/tháng, những gia đình công chức có lương thì ủng hộ nhiều hơn, những gia đình có đám cưới hoặc ma chay đóng thêm để trả công cho người đi thu gom rác. Tuy nhiên, ý thức của người dân vẫn còn kém, nếu không có người là đổ rác bừa bãi trên triền đê, rác lại không được phân loại. Bãi rác chưa được đào hố chôn mà vẫn đổ lộ thiên ở mé đê nên mỗi khi có gió thì rác cuốn tung, hoặc khi gặp mưa to, nước lớn thì trôi nổi, bồng bềnh gây ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan.
Để cải thiện môi trường sống của người dân và cảnh quan nông thôn, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về việc thu gom rác thải và tập cho người dân có thói quen phân loại rác thải để xử lý rác tận gốc. Những loại rác hữu cơ dễ phân hủy không gây độc hại thì người dân tự xử lý bằng cách chôn lấp và đốt. Những loại rác khó phân hủy hoặc độc hại có thể đổ tập trung tại điểm đổ rác theo quy định để có quy trình xử lý khoa học. Cần tăng cường, khuyến khích xây dựng và mở rộng các mô hình xử lý chất thải làng nghề, các mô hình thu gom rác thải quy mô thôn, xã. Mỗi xóm nên thành lập đội thu gom rác thải giao cho Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên... đảm nhận, thu gom rác vào các ngày thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần. Người dân có trách nhiệm thu gom, phân loại rác của gia đình và trích một khoản phí trả cho đội thu gom.
Bài, ảnh: Hương Giang