Đến nay đã có trên 586.358 người, tương đương 64,1% dân số toàn tỉnh có thẻ BHYT (tỷ lệ bình quân chung toàn quốc là 62%). Trong đó có 108.474 người nghèo, 9.774 người cận nghèo, 95.500 trẻ em dưới 6 tuổi, 32.599 người có công, 20.595 người cao tuổi và 47.618 đối tượng hưu trí. Năm 2011, tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho nhân dân trong tỉnh là 290 tỷ đồng, bằng 131% so với năm 2010. Quỹ BHYT đã giúp cho nhiều người vượt qua bệnh hiểm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn.
Với tỷ lệ 64,1% dân số có thẻ BHYT, còn lại gần 34% dân số, để thực hiện được BHYT toàn dân vào năm 2014 đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện đồng bộ hơn nữa từ tỉnh đến huyện, thành phố, thị xã cho đến xã, phường, thị trấn. Với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước thì còn khoảng 10% chưa tham gia BHYT, nhưng riêng Ninh Bình, được sự quan tâm chỉ đạo bằng văn bản của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm giữa ngành Giáo dục với cơ quan BHXH, việc tham gia BHYT học sinh đã trở thành nề nếp, hàng năm chiếm trên 95% học sinh tham gia, là một trong 3 tỉnh có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT cao nhất toàn quốc.
Theo thống kê, ở tỉnh ta, đối tượng tiềm năng đang tiếp cận gần nhất với chính sách BHYT là 73 nghìn người thuộc hộ cận nghèo. Luật BHYT quy định, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 50% mức đóng BHYT của đối tượng cận nghèo. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ đó, người cận nghèo vẫn chưa nhiệt tình tham gia, kết quả số hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT còn thấp (năm 2010 chỉ có 1.089 người).
Trước thực tế đó, với quan điểm dành những gì có thể cho người nghèo và người cận nghèo, ngày 6-4-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2011/QĐ-UBND nâng mức hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ BHYT từ mức 50% lên 75%. Như vậy, với sự quan tâm đó, hộ cận nghèo chỉ phải đóng 112.000 đồng /người /năm và ngân sách hỗ trợ 336.000 đồng /người /năm để mua thẻ BHYT.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã cũng có văn bản chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tích cực phối hợp với cơ quan BHXH tuyên truyền vận động về những ưu việt của chính sách, trách nhiệm chia sẻ phần lớn mức đóng góp của ngân sách tỉnh.
Kết quả, năm 2011 đã có 9.774 người cận nghèo tham gia BHYT, tăng gần 9 lần so với năm 2010. Song, so với trên 83 nghìn người cận nghèo toàn tỉnh thì mới chỉ có 11,76% người cận nghèo có thẻ BHYT, còn lại trên 73 nghìn người chưa được hưởng tính ưu việt của chính sách.
Theo đồng chí Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH tỉnh thì tình trạng hộ cận nghèo chưa nhiệt tình tham gia BHYT (dù mức hỗ trợ tương đối cao) là do một số nguyên nhân như: Đối với ngành BHXH, công tác thông tin tuyên truyền đã được tăng cường nhưng hình thức và nội dung chưa thực sự hấp dẫn và phù hợp với thực tiễn. Quy định về mức thu nhập cho các đại lý thu BHYT còn thấp, không đủ để khuyến khích các đại lý thu tại xã, phường, thị trấn phát huy tinh thần trách nhiệm. Việc phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, người cận nghèo thuộc nhóm đối tượng có thu nhập thấp, chỉ bằng 130% so với thu nhập bình quân của người thuộc hộ nghèo, trong khi người thuộc hộ nghèo được Nhà nước cấp 100% kinh phí mua thẻ BHYT, với người thuộc hộ cận nghèo, mặc dù được ngân sách hỗ trợ 75% kinh phí, nhưng việc bỏ ra 25% (tương đương 112.000 đồng /người /năm) vẫn còn là vấn đề khó khăn, một số còn tư tưởng trông chờ, ỉ nại vào Nhà nước, nhiều người chưa hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHYT, khi ốm đau mới nghĩ đến mua thẻ BHYT hoặc trong một gia đình cận nghèo cũng chọn những người có nguy cơ ốm đau cao, phải đi bệnh viện mới mua thẻ BHYT. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức, coi việc thực hiện chính sách BHYT là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH, chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH để triển khai thực hiện chính sách. Đồng thời chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của các cơ sở y tế còn chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân.
Để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, góp phần an sinh xã hội trên địa bàn, phấn đấu 100% người cận nghèo có thẻ BHYT vào năm 2012, BHXH tỉnh đề xuất một số giải pháp như:
Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách. Xác định việc thực hiện chính sách BHYT là góp phần an sinh xã hội, lấy tỷ lệ người có thẻ BHYT trên tổng số dân tại địa phương là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá các danh hiệu thi đua, trong đó có tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường công tác thông tin truyền thông, phối hợp cùng các đoàn thể vào cuộc để tuyên truyền về chính sách BHYT nói chung, BHYT hộ cận nghèo nói riêng. Cơ quan BHXH với chức năng tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết cho người dân về chính sách BHYT; phối hợp tốt với các cơ sở khám, chữa bệnh để đảm bảo quyền lợi BHYT cho người có thẻ BHYT nói chung và người thuộc hộ gia đình cận nghèo nói riêng.
Đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính trong các khâu thu tiền, phát hành thẻ BHYT, tiếp đón và giải quyết các quyền lợi về BHYT. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các sở, ban, ngành có liên quan để tổ chức thực hiện chính sách (Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính…).
Chính sách BHYT cho hộ cận nghèo thể hiện sự nhân văn, nhân đạo, chia sẻ khó khăn, rủi ro cho người cận nghèo không may bị ốm đau, bệnh tật. Sự hỗ trợ của ngân sách, của cộng đồng xã hội giúp người cận nghèo có điều kiện được tiếp cận và thụ hưởng những ưu việt của chính sách BHYT, đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình và an sinh xã hội trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hạnh Chi