Tiềm năng lớn Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được công nhận năm 1999. Kể từ đó, mô hình du lịch nông nghiệp ở Ninh Bình được hình thành, đưa vào khai thác. Bắt đầu từ việc du khách đến với Vân Long có nhu cầu nghỉ tại nhà dân, tìm hiểu và khám phá cuộc sống của cư dân địa phương.
Đến nay mô hình này đã lan rộng ra nhiều địa phương trong toàn tỉnh và được triển khai dưới các loại hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng… Các địa phương phát triển mạnh mô hình du lịch này như: xã Gia Vân, Gia Hòa (Gia Viễn), xã Sơn Hà (Nho Quan), xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên (Hoa Lư) và Yên Mạc, Yên Từ (Yên Mô).
Đây cũng là những địa phương gắn với các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh như: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Động Thiên Hà, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Hang Múa... Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, loại hình du lịch này vẫn chỉ phát triển mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, trùng lặp, chưa thực sự hấp dẫn du khách.
Thực hiện Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn", từ đầu năm đến nay, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh đã có nhiều chuyến khảo sát du lịch trong nông nghiệp ở các địa bàn huyện Yên Khánh, Gia Viễn và thành phố Tam Điệp.
Các đoàn khảo sát đến làng nghề Phong An, xã Khánh Thành (Yên Khánh) trên 100 năm tuổi - nơi có đặc sản ẩm thực bánh đa vừng nổi tiếng; thăm làng hoa Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) - nơi có gần bốn nghìn mẫu đất trồng hoa, trở thành một trong những vùng chuyên canh trồng hoa lớn nhất trong tỉnh.
Đoàn đã đến thành phố Tam Điệp thăm làng nghề trồng đào phai Đông Sơn - xứ sở loài hoa đào có màu đặc trưng với sắc hoa dịu nhẹ, cánh phớt hồng mang vẻ đẹp mong manh, tự nhiên hiếm nơi nào sánh kịp. Vào dịp cuối năm, vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của làng hoa dễ khiến người ta say đắm.
Đồng thời thăm các mô hình kinh tế nông nghiệp - du lịch, hàng loạt loại hình trang trại với nhiều loại cây - con đặc sản, quần thể di tích lịch sử: lũy Quèn Thờ, lũy Quang Trung, danh thắng động Trà Tu, hồ Yên Thắng, hồ Mừng, hồ Đoòng Đèn...
Đoàn cũng đi khảo sát các di tích lịch sử như đình Đông, đình Nam, miếu núi Giang ở xã Gia Lạc (Gia Viễn). Đặc biệt đảo Cò thuộc xã Gia Lạc là nơi có hàng nghìn con cò trắng sinh sống, kiếm ăn và sinh sản. Nơi đây chỉ cách chùa Bái Đính khoảng 2 km và khu du lịch suối khoáng nóng Kênh Gà khoảng 1 km, tới đây đảo Cò sẽ là một điểm dừng chân thú vị, một sản phẩm du lịch mới độc đáo hút du khách tới thăm.
Nguồn nhân lực và hạ tầng chưa tương xứng
Theo chuyên gia kinh tế, thu nhập của nông dân từ sản xuất nông nghiệp thuần túy chỉ chiếm gần 30%, còn lại thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp và dịch vụ. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới chính là một giải pháp căn bản để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn, là cách phát triển kinh tế bền vững, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, là nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở mỗi địa phương.
Trước hết, phải xác định du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch mang đến sự trải nghiệm cho du khách về các phương thức sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân địa phương, có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng dân cư tại các khu vực nông thôn.
Vì thế, các địa phương cần phải có kế hoạch phát triển dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp một cách bài bản tiến tới chuyên nghiệp, có thể thu nhập của nông dân mới cao và đảm bảo sự ổn định. Khu vực nông thôn, người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ cho du lịch nông nghiệp sinh thái còn rất thiếu.
Đồng thời, vẫn chưa có sự liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ cho ngành du lịch mang tính đặc thù nông nghiệp. Anh Trần Ngọc Tiến, đại diện doanh nghiệp du lịch Ngôi Sao cho hay: Đặc trưng của loại hình du lịch này là khách đi tour chỉ là những nhóm nhỏ theo gia đình hoặc bạn bè.
Khi đến những điểm tham quan có những hoạt động sản xuất, chế biến, họ sẽ trực tiếp tham gia cùng nông dân, không thụ động nghe hướng dẫn viên thuyết minh như các loại hình du lịch đền chùa, thắng cảnh... Thế nhưng, các hướng dẫn viên được đào tạo bài bản tại các trường du lịch lại thiếu kiến thức về nông nghiệp và đời sống thực tế ở nông thôn, dẫn đến tính thuyết phục và tạo ấn tượng với du khách chưa cao.
Hiện tại mô hình du lịch nông nghiệp tại Ninh Bình đã hình thành được một số sản phẩm tiêu biểu như: Tour "Du khảo đồng quê" để du khách có thể tìm hiểu được nét văn hóa đặc trưng của làng quê Ninh Bình; tour "Một ngày làm nông dân" - các du khách được cùng với chủ nhà tham gia hoạt động canh tác nông nghiệp như cày ruộng bằng trâu, đi cấy, nhổ mạ, đi gặt lúa bằng liềm và bằng hái, tát nước gầu dây, hay trồng hoa màu…. đã xây dựng và tổ chức khai thác tại Nho Quan và Gia Viễn. Cả hai tour này đều được du khách đánh giá rất cao về tính đa dạng, sự hấp dẫn của các hoạt động trải nghiệm lạ lẫm, lý thú.
Như vậy, có thể thấy du lịch nông nghiệp ở các vùng như huyện Yên Khánh, Nho Quan, thành phố Tam Điệp có nhiều thế mạnh, nhưng trở ngại lớn là còn thiếu các khu lưu trú. Tại nhiều điểm du lịch, cơ sở hạ tầng lưu trú chưa được đầu tư đúng mức, chưa làm du khách hài lòng và lựa chọn là điểm đến trong những lần tiếp theo.
Năm 2018, Ninh Bình đã đón hơn 7,3 triệu lượt khách du lịch. Dù lượt khách tăng đều mỗi năm, nhưng số lượng khách lưu trú tại các khu vực gắn với du lịch nông nghiệp như ở các vùng Yên Khánh, Yên Mô, Tam Điệp còn rất thấp. Lý do chính ở các khu vực này hạ tầng cho du khách cũng như các dịch vụ du lịch khá nghèo nàn.
Do vậy, trải nghiệm của du khách chỉ ở mức đơn giản, chưa tận dụng hết lợi thế thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu của khách qua các dịch vụ bổ trợ khác như mua sắm, trực tiếp tham gia dây chuyền sản xuất một loại sản phẩm, các dịch vụ tiện ích cao cấp...
Cơ sở hạ tầng để phục vụ cho du lịch nông nghiệp vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Đây không chỉ là nhược điểm ở các vùng đã phát triển du lịch nổi tiếng như Hoa Lư, Gia Viễn mà còn ở nhiều huyện khác trong toàn tỉnh. Để khai thác đúng mức lợi thế của loại hình du lịch này, cần đầu tư để tạo dựng cảnh quan, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, thu hút lao động, bồi dưỡng thuyết minh, hướng dẫn viên...
Và đặc biệt là cần có cơ chế tạo điều kiện tối đa, cần gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới, để các doanh nghiệp và người dân có điều kiện phát triển các mô hình đem lại hiệu quả cao thu hút được nhiều khách du lịch đến và trải nghiệm dịch vụ.
Nhiều gia đình, gia trại có ý tưởng liên kết các trang trại, xây dựng thành tour du lịch cộng đồng với nhiều mô hình hấp dẫn như du lịch trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông, du lịch sinh thái, câu cá…
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại các địa phương. Đặc biệt là khai thác các giá trị nội tại vùng nông thôn, duy trì, bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang phải chịu áp lực của phát triển kinh tế đô thị.
Nguyễn Minh