Luật Lý lịch tư pháp được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2010. Đây là một đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền của công dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Đồng chí Phạm Ngọc Sơn, Trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp cho biết: Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Xác định được ý nghĩa thiết thực, tầm quan trọng của công tác lý lịch tư pháp nên thời gian qua Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp. Qua công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức xã hội của người dân, cơ quan, tổ chức về vị trí, vai trò của lý lịch tư pháp, từ đó mọi đối tượng có ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định của Luật Lý lịch tư pháp, góp phần đưa Luật Lý lịch tư pháp đi vào cuộc sống. Trong thực tiễn thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, thời gian qua Sở Tư pháp đã cập nhật cơ sở dữ liệu của 4.398 bản lý lịch tư pháp và đang cố gắng từng bước giảm thiểu số lượng thông tin còn tồn đọng. Nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp một cách hiệu quả, Sở cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan Tòa án, Thi hành án, Viện kiểm sát trên địa bàn tỉnh trong việc cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp về án tích theo thẩm quyền quy định để việc cập nhật thông tin được kịp thời, phục vụ tốt công tác quản lý hồ sơ lý lịch tư pháp. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và phân loại thông tin lý lịch tư pháp được Sở Tư pháp thực hiện một cách khoa học, nghiêm túc theo quy định của pháp luật; trong đó các thông tin thuộc thẩm quyền sẽ được lưu trữ và chuyển sang khâu xử lý, lập lý lịch tư pháp; các thông tin không thuộc thẩm quyền xử lý sẽ được cung cấp tới các đơn vị có thẩm quyền hoặc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia. Tính từ 1-7-2010 đến 31-12-2015, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 17.655 thông tin (bao gồm cả thông tin lý lịch tư pháp và thông tin chứng tử, cải chính hộ tịch) và đã vào Sổ tiếp nhận 14.634 thông tin lý lịch tư pháp; Trên cơ sở những thông tin lý lịch tư pháp về quá trình thi hành án như Giấy chứng nhận đặc xá, Giấy chứng nhận xong hình phạt tù..., Sở Tư pháp đã chủ động lập lý lịch tư pháp và cập nhật, bổ sung các thông tin còn thiếu vào lý lịch tư pháp đã lập, để cung cấp bổ sung cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia theo quy định. Cùng với đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lý lịch tư pháp luôn được Sở Tư pháp quan tâm, chú trọng, phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung được ứng dụng theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Từ khi sử dụng phần mềm, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương đã được hình thành, công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp cũng có tính chủ động vì có thể tự khai thác, tra cứu xác minh tình trạng án tích của công dân ngay tại Sở. Từ ngày 1-5-2015 đến ngày 31-12-2015, bên cạnh bản lý lịch tư pháp bằng giấy thì Sở Tư pháp còn cung cấp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia 510 bản lý lịch tư pháp điện tử. Trong quá trình thực hiện công tác Lý lịch tư pháp, Sở đặc biệt chú trọng đến công tác lưu trữ hồ sơ, các hồ sơ lý lịch tư pháp sau khi lập đều được lưu trữ đảm bảo theo quy định, cả bản mềm và bản giấy; quán triệt các cán bộ nghiêm túc thực hiện, đảm bảo các thông tin nhận được không bị mất, thất lạc. Những nguồn cơ sở dữ liệu đã cập nhật trên phần mềm quản lý lý lịch tư pháp đã góp phần quan trọng trong quá trình cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân. Phiếu lý lịch tư pháp được coi là giấy tờ pháp lý quan trọng chứng minh cá nhân có hay không có án tích khi tham gia vào các quan hệ pháp lý, đặc biệt là trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, vì vậy công tác tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp được Sở thực hiện đảm bảo theo đúng trình tự thủ tục hành chính, thời gian quy định, cơ bản đáp ứng yêu cầu của công dân. Trong 5 năm, Sở Tư pháp đã cấp 10.565 phiếu lý lịch tư pháp cho công dân. Có thể nói, qua 5 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp, đã góp phần đưa pháp luật về lý lịch tư pháp vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của công dân, cơ quan, tổ chức cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, để đảm bảo cho công tác lý lịch tư pháp tại địa phương đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, nhất là trong việc đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Diệu Linh