Đó là mục tiêu của buổi tọa đàm tổ chức ngày 9/1 tại trụ sở Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở quận 13, thủ đô Paris (Pháp). Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của đông đảo của bà con Việt kiều, cùng đại diện Sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước bạn.
Ông Phạm Xuân Sinh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, cho biết trong ba tháng cuối năm 2008, Trung tâm đã tổ chức được một chương trình văn hóa có quy mô đầu tiên dành cho cộng đồng trong khuôn khổ Tết thiếu nhi với sự tham gia của khoảng 300 người. Trung tâm đã có những buổi tiếp xúc với bà con Việt kiều để tìm hiểu về tình hình, nhu cầu hoạt động văn hóa, học tiếng Việt, đầu tư kinh doanh du lịch tại Việt Nam.
Trong năm 2009, Trung tâm sẽ tập trung vào việc cải tạo tòa nhà để phù hợp với các hoạt động giới thiệu văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam. Ngoài ra, Trung tâm sẽ tổ chức các triển lãm, lễ hội và hội thảo nhằm giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam.
Ngay trong tháng 1 và 2-2009, Trung tâm có kế hoạch tổ chức một số triển lãm ảnh như "Duyên dáng Việt Nam", Mùa xuân và lễ hội Việt Nam" và chương trình nghệ thuật Tết Kỷ Sửu 2009. Tiếp đó trong tháng 5 và 6 có hai hoạt động quan trọng là Hội thảo về con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và triển lãm ảnh "Hồ Chí Minh, chân dung một con người". Ngoài ra, Trung tâm còn dự định tổ chức các hoạt động thể thao, du lịch và thương mại với mục đích quảng bá hình ảnh du lịch, ẩm thực của Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng bên cạnh những hoạt động bề nổi như biểu diễn văn nghệ, tổ chức các buổi nói chuyện về văn hóa và phong tục tập quán Việt Nam, Trung tâm cũng cần chú ý tới những hoạt động có tính bền vững và lâu dài như tổ chức các lớp học tiếng Việt, công cụ hữu hiệu để giúp các con em Việt kiều thuộc thế hệ 2-3 trở về với bản sắc dân tộc, đồng thời thu hút những bạn bè Pháp muốn tìm hiểu và khám phá nền văn hóa Việt Nam bằng ngôn ngữ của đại thi hào Nguyễn Du.
Theo các đại biểu, những lớp học tiếng Việt phải được tổ chức có hệ thống với những giáo trình thích hợp. Đội ngũ giảng dạy cũng phải vừa có chuyên môn tiếng Việt vừa nói tốt tiếng Pháp đồng thời am hiểu hai nền văn hóa Pháp-Việt để có thể dạy tiếng Việt cho người Pháp và Việt kiều một cách hiệu quả...
Văn hóa thương mại cũng được đề cập đến với những ý tưởng đặc sắc như trưng bày và bán các sản phẩm lưu niệm, thủ công mỹ nghệ đặc trưng của dân tộc, một quán cà phê, hay một nhà hàng nhỏ trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa sẽ có thể là những không gian gặp gỡ ấm cúng giữa những người bạn.
Tại buổi tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Lê Kinh Tài đã đánh giá cao việc bà con tham gia nhiệt tình và đóng góp ý kiến cho hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Theo ông, điều này thể hiện tình cảm và tâm huyết của bà con trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam với thế giới.
Đại sứ mong rằng bà con sẽ tiếp tục đóng góp công sức để xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam đầu tiên tại Pháp nói riêng và tại châu Âu nói chung, góp thêm tiếng nói vào đời sống văn hóa phong phú của thủ đô Paris, nơi hội tụ 40 trung tâm văn hóa các nước
Theo Vietnamnet