Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh đã vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu sản phẩm của mình không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế. Điển hình là Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, Công ty TNHH Hoàng Phát... Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp tư nhân của tỉnh còn trong tình trạng nhỏ bé cả về quy mô sản xuất, lĩnh vực sản xuất lẫn trang thiết bị công nghệ, nhân lực và nguồn vốn.
Theo ông Phạm Xuân Mược, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp dân doanh hiện nay là thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời gian vừa qua, Chính phủ đang áp dụng chủ trương thắt chặt lĩnh vực tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát.
Mặt khác, khi lãi suất ở tất cả các ngân hàng thương mại tăng lên từ 0,95%/tháng lên 1,7%/tháng, kèm theo là những thủ tục cho vay khắt khe, chặt chẽ làm cho nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Với lãi suất vay khoảng 20% thì nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập phải dựa chủ yếu vào nguồn vốn vay từ ngân hàng... thì không biết phải hoạt động thế nào để duy trì sản xuất, chứ chưa nói đến có lãi.
Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hiện còn nhiều công trình nợ đọng chưa được thanh toán, trong khi các khoản vay ngân hàng đã đáo hạn. Đứng trước khó khăn đó, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nhiều dự án, mặc dù trước đó doanh nghiệp phải rất khó khăn mới tìm kiếm được hợp đồng sản xuất với bạn hàng. Do "cầu" giảm thì việc sản xuất ra nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp sớm hay muộn cũng phải cắt giảm hoặc đình trệ. Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không đạt hiệu quả đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bị thua lỗ và nếu cứ tiếp diễn sẽ dẫn đến phá sản.
Đứng trước tình hình trên, Chính phủ đã đưa ra một loạt các giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nhất là sản xuất ở lĩnh vực tạo ra những mặt hàng thiết yếu cho xã hội. Gần đây các ngân hàng thương mại cũng đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay... Những vấn đề trên phần nào giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, nhưng không có nghĩa con đường phát triển của họ đã "thuận buồm, xuôi gió", khi mà tình trạng lạm phát vẫn còn cao, kinh tế thế giới vẫn đang khủng hoảng.
Ông Đinh Quốc Chiến, Giám đốc Công ty TNHH giấy Tiến Dũng (thành phố Ninh Bình) cho biết: Giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay là thắt chặt tài chính, tích cực thu hồi công nợ và triệt để tiết kiệm cả trong chi hành chính lẫn chi phí cho sản xuất. Triệt để tiết kiệm chi phí trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nâng cao tay nghề cho người lao động, tăng năng suất và hiệu suất sản xuất. Thay đổi chế độ làm việc thật hợp lý, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm điện. Động viên mọi cán bộ, công nhân trong Công ty cùng "chung tay góp sức" vượt qua khó khăn hiện nay. Huy động tối đa nguồn nội lực nhằm đảm bảo có đủ và kịp thời vốn cho sản xuất và mở rộng sản xuất.
Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục duy trì sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đây là vấn đề "mấu chốt" để các doanh nghiệp đứng vững trên thương trường. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phát huy tối đa nguồn nội lực và muốn tồn tại trước hết phải "tự cứu lấy mình", vươn lên đứng vững và khẳng định mình trong thương trường.
Trường Sinh