Nhân rộng những điển hình
Chúng tôi đến thăm Nhà máy gạch Yên Thành, thuộc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Bá. Đây là một trong những đơn vị sản xuất gạch xây lớn trên địa bàn huyện Yên Mô, công suất trên 25 triệu viên gạch/năm. Năm 2015, Nhà máy đã sản xuất và tiêu thụ trên 37 triệu viên gạch các loại, doanh thu ước đạt trên 31 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng so với năm 2014.
Để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mới đây Nhà máy gạch Yên Thành đã đầu tư trên 50 tỷ đồng lắp đặt và đưa vào hoạt động dây chuyền 2 với công suất 40 triệu viên/năm. Từ khi dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động, Nhà máy đã xuất bán ra thị trường 9 triệu viên gạch/tháng, tăng gấp 3 lần so với những tháng đầu năm. Dự kiến năm 2016, Nhà máy gạch Yên Thành sản xuất và tiêu thụ trên 100 triệu viên gạch các loại, doanh thu ước đạt trên 70 tỷ đồng.
Ông Hoàng Bá, Giám đốc Doanh nghiệp cho biết: Với dây chuyền mới đi vào động, Nhà máy gạch Yên Thành đang là một trong những đơn vị dẫn đầu tỉnh Ninh Bình về công nghệ sản xuất gạch nung hiện đại với công suất lớn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Việc đầu tư công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay chính là chiến lược của Doanh nghiệp để chiếm lĩnh thị trường trong điều kiện nền kinh tế cạnh tranh.
Hiện nay, Doanh nghiệp đảm bảo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 150 lao động, với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp cũng đã có những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp đang được xem là thế mạnh của Yên Mô. Năm 2003, sau khi học nghề từ làng nghề gốm Bát Tràng, được sự giúp đỡ của bà con, anh Phạm Văn Vang, thôn Bạch Liên, xã Yên Thành đã xây dựng xưởng sản xuất tại gia đình và quy tụ một số người dân địa phương vào làm tại xưởng. Sản phẩm chính của cơ sở là ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… với màu men gan-loại men giả cổ.
Sản phẩm gốm Bồ Bát ra thị trường được đánh giá rất tốt do men dày, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, giá thành khoảng 10 nghìn đồng/bát, bằng một nửa so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sản phẩm gốm, sứ Bồ Bát có những đặc trưng không nơi nào có được bởi màu men, độ mịn đến các họa tiết tạo được nét riêng biệt, khác với các dòng gốm khác.
Sau hơn 10 năm phát triển, đến nay anh Phạm Văn Vang đã thành lập doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát, thường xuyên thu hút khoảng 20 thợ gốm làm việc với thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng; doanh thu bình quân của cơ sở hàng tỷ đồng/năm.
Hiện xưởng gốm của anh Vang tập trung vào mặt hàng gia dụng như bình hoa, bát đĩa, ấm chén, chuông gió, đồ trang sức... Sản phẩm gốm Bồ Bát đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và một số tỉnh ở miền Trung, miền Nam. Nói về định hướng phát triển, anh Phạm Văn Vang cho biết: Tới đây sẽ mở rộng quy mô xưởng sản xuất lên 5.000m2 ngay tại làng Bạch Liên. Dự kiến, xưởng mới của gia đình anh Vang sẽ thu hút từ 70-100 thợ làm gốm của địa phương.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Có thể nói, những doanh nghiệp như gốm Bồ Bát, gạch Yên Thành đang là những nhân tố quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo các tiêu chí của nông thôn mới. Đồng chí Bùi Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Giá trị sản xuất CN-TTCN hàng năm của huyện Yên Mô đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, mức tăng bình quân 5 năm (2010- 2015) là 12,6%/năm.
Sản phẩm gạch Yên Thành chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: N.T
Năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 583 tỷ đồng, chiếm 15,34% tổng giá trị sản xuất toàn huyện. 6 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt trên 312 tỷ đồng, tăng gần 32 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015, đạt 50,4% kế hoạch năm. Nhiều ngành nghề truyền thống được duy trì và phát triển như: Sản xuất vật liệu xây dựng, thảm cói, thêu ren, may mặc…; một số ngành nghề mới được tiếp thu, mở rộng như: Sản xuất đồ mộc cao cấp, đá mỹ nghệ, gốm sứ, bèo bồng...
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được huyện quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn huyện có 175 doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh, 13 làng nghề được công nhận làng nghề cấp tỉnh. Hàng năm, lĩnh vực sản xuất CN-TTCN đã tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân đạt từ 3-5 triệu đồng/người/tháng và hơn 10.000 lao động thời vụ.
Hiện nay, huyện đã quy hoạch 4 cụm công nghiệp, bao gồm: Mai Sơn, Khánh Thượng, Yên Lâm, Yên Thổ, Thị trấn Yên Thịnh với tổng diện tích gần 160 ha; quy hoạch 17 điểm công nghiệp với tổng diện tích đến năm 2020 trên 200 ha.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn phần lớn là quy mô sản xuất nhỏ, giá trị và sản lượng thấp. Một số ngành nghề truyền thống phát triển chưa mạnh, nghề mới đưa vào chậm, tính ổn định chưa cao, sức cạnh tranh sản phẩm còn thấp.
Việc phát triển và mở rộng làng nghề còn chậm so với yêu cầu. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn huyện còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, do vậy tính chủ động, ổn định sản xuất còn hạn chế, thu nhập của người lao động chưa ổn định. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế còn thấp, chưa tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Nguyên nhân của những hạn chế trên cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện là do vị trí địa lý, giao thông của huyện không thuận lợi; tài nguyên khoáng sản trên địa bàn trữ lượng ít, không tập trung, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguyên liệu, thu hút đầu tư.
Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhiều bất cập, thiếu những cơ chế, chính sách thích hợp để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp. Việc thu hút đầu tư và đầu tư nguồn nhân lực của huyện còn hạn chế.
Một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương. Bên cạnh đó nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều biến động, ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và đầu ra cho sản phẩm… Do đó, việc thành lập, mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn.
Cần có giải pháp phù hợp
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Mô lần thứ XVII về phát triển kinh tế, theo đó huyện sẽ tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát huy nội lực, thu hút đầu tư, tăng nhanh tỷ trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN của huyện đạt 846,5 tỷ đồng, chiếm 16,57% tổng giá trị sản xuất toàn huyện. Đến năm 2020, toàn huyện có 10.000 lao động mới có việc làm thường xuyên và 15.000 lao động thời vụ. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp Mai Sơn, Yên Lâm, Yên Thổ, Khánh Thượng và cơ sở sản xuất gốm sứ Bồ Bát.
Để thực hiện các mục tiêu trên, huyện Yên Mô tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển CN-TTCN trong phát triển KT-XH, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, huyện ban hành cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực, nhằm thu hút đầu tư trên địa bàn. Xây dựng lộ trình thực hiện và xác định trọng điểm, thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, tập trung đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề có thế mạnh, ngành nghề mới như: thảm cói, thêu ren, đồ mộc cao cấp, vật liệu xây dựng, gốm sứ, dệt may, giày da và chế biến nông sản, thực phẩm…
Ngoài ra, huyện sẽ tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng dạy nghề, nhất là các nghề mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ cung cấp thông tin, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại.
Tiếp tục cải cách hành chính theo hướng nhanh gọn, thuận lợi cho nhân dân, các nhà đầu tư. Tạo môi trường thông thoáng cho ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ở địa phương phát triển. Quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân, Hiệp hội Doanh nghiệp huyện hoạt động hiệu quả, thiết thực.
Nguyễn Thơm