Sau khi được thành lập, chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Lũ Phong đã tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, gây cơ sở phát triển nhiều hội viên, thành lập một số chi bộ khác trong tỉnh. Việc thành lập chi bộ cách mạng sớm đã kịp thời tuyên truyền giác ngộ nhân dân tích cực tham gia cách mạng, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đóng góp những chiến công to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xứng đáng là quê hương anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Ghi nhận và đánh giá công lao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Bình trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 7/8 huyện, thành phố; hơn 70 đơn vị xã, phường, thị trấn; 16 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; có 1.216 mẹ được phong và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", cùng hàng nghìn tập thể và cá nhân đã được khen thưởng Huân, Huy chương các loại.
Không chỉ kiên cường, anh dũng trong kháng chiến chống ngoại xâm mà trong thực tiễn xây dựng quê hương, người dân Ninh Bình đời sau nối tiếp đời trước hun đúc nên những phẩm chất, tính cách cao đẹp trở thành truyền thống quý báu. Đó là truyền thống cần cù trong lao động sản xuất, sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật. Quá trình lịch sử đấu tranh xây dựng và phát triển quê hương, nhân dân Ninh Bình đã sáng tạo một không gian văn hóa đặc sắc. Đến nay, Ninh Bình có 1.499 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 342 di tích đã được xếp hạng; 79 di tích cấp quốc gia; 263 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 01 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 02 di tích cấp Quốc gia đặc biệt.
Những thành tựu rực rỡ về kiến trúc, điêu khắc như đền thờ Vua Đinh - Vua Lê, đền Thái Vi, nhà thờ đá Phát Diệm…; những áng thơ văn, lễ hội, ca múa, trong đó hát chèo có từ thời Đinh, hát ca trù, hát xẩm ở Yên Phong (Yên Mô), hát văn (Phủ Đồi, Nho Quan).v.v. còn duy trì và phát triển đến ngày nay. Nhiều danh nhân tiêu biểu của Ninh Bình như: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Dương Vân Nga, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu, Ninh Tốn, Vũ Duy Thanh, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật và các nhà khoa học, các tướng lĩnh đương đại …., đã làm rạng rỡ quê hương.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ sau khi tái lập tỉnh (01/4/1992), dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo; phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương Cố đô anh hùng, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết, năng động, sáng tạo phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả mọi lĩnh vực, nổi bật là:
- Thứ nhất, kinh tế của tỉnh liên tục có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần nông nghiệp.
Trong thời gian qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh liên tục tăng qua các năm: Bình quân thời kỳ 1992 - 1995 tăng 13,3 %; thời kỳ 1996 - 2000 tăng 9,6 %; thời kỳ 2001 - 2005 tăng 13,1 %; thời kỳ 2006 - 2011 tăng 15,7 %; thời kỳ 2011-2015 tăng 11,7%/năm. Năm 2017, GRDP tăng 7,95% (mức tăng cao so với bình quân chung của cả nước trong điều kiện nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn); tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 8.745 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), tăng 20,4 % so với năm 2016, vượt 46,1 % dự toán HĐND tỉnh giao.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như lắp ráp ô tô, sản xuất phân bón, thiết bị điện tử có mức tăng trưởng khá; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 40,3 nghìn tỷ đồng, tăng 25,05% so với năm trước và vượt 8,8% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện ước đạt 23,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% và vượt 5,4% kế hoạch; các công trình, dự án về giao thông, thủy lợi, xây dựng hạ tầng đô thị, các nhà máy sản xuất công nghiệp tiếp tục được triển khai thực hiện; công tác xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo.
Sản xuất nông nghiệp vượt qua khó khăn của thiên tai, bão lũ, giữ vững tốc độ tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) ước đạt 8,43 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2016; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 110 triệu đồng; sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 46,55 vạn tấn, giảm 5,3%. Thủy sản tiếp tục phát triển, sản lượng ước đạt 49,6 nghìn tấn, tăng 12,2% so với năm 2016. Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả nổi bật. Trong năm 2017 đã có thêm 20 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 80 xã (chiếm 67,2% tổng số xã). Đến nay, tỉnh đã có huyện Hoa Lư và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra.
Các ngành dịch vụ phát triển khá, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Hoạt động du lịch đạt kết quả tích cực; số khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 7 triệu lượt khách, tăng 8,8% so với năm trước, vượt 4,6% kế hoạch; doanh thu du lịch đạt 2.489 tỷ đồng, tăng 41%, vượt 38,3% kế hoạch. Hoạt động xuất khẩu tăng khá; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.154 triệu USD, tăng 22% so với năm trước và vượt 5% kế hoạch.
Thứ hai, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện năng, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát kinh tế - xã hội.
Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng mạnh. Các tuyến đường giao thông huyết mạch như: Quốc lộ lA, Quốc lộ 10, tuyến đường cao tốc qua Ninh Bình, đường ĐT 477; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, giao thông nội thị cả đường bộ, đường sắt, đường thủy trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, theo hướng khang trang, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội. Hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt phát triển nhanh, đảm bảo phục vụ cơ bản nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn.
Kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục, y tế. Tỷ lệ trường học đạt kiên cố hóa cao; cơ sở hạ tầng cho y tế được đầu tư xây dựng, nhiều bệnh viện lớn được tập trung đầu tư xây dựng với quy mô giường bệnh, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; các thôn, xóm, phố đều có nhà văn hóa. Cơ sở hạ tầng viễn thông, đường truyền internet không ngừng mở rộng, phát triển đến vùng sâu, vùng xa.
- Thứ ba, văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân ngày một được cải thiện, lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được củng cố, phát triển, cơ bản đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội.
Công tác giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất được tăng cường, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học đạt 84,9%; chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia đạt kết quả tốt, Ninh Bình nằm ở tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước, có điểm trung bình các môn thi cao thứ 3 toàn quốc.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân được chú trọng; thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người nghèo, người có công.
Công tác thông tin, truyền thông được tập trung chỉ đạo với nhiều nội dung và hình thức phong phú; kịp thời tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh đảm bảo trang trọng, ấn tượng, mang đậm bản sắc truyền thống, có tính giáo dục cao. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được duy trì. Công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.
An sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầy đủ các chính sách, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng, tập trung nâng cao chất lượng, gắn với thị trường lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 46%, trong năm đã giải quyết việc làm cho 20 nghìn lao động, vượt 3,1% kế hoạch năm. Công tác giảm nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm xuống còn 4,52%. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, hướng về cơ sở và người lao động; kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến.
- Thứ tư, công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân và môi trường xã hội lành mạnh.
Duy trì thực hiện nghiêm túc chế độ sẵn sàng chiến đấu, tích cực tham gia phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; tuần tra, bảo vệ khu vực biên giới biển, cửa khẩu, vùng nước cảng theo thẩm quyền; làm tốt công tác tuyển quân, huấn luyện, diễn tập, phòng thủ khu vực, chính sách hậu phương quân đội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế, các sự kiện chính trị - văn hóa lớn diễn ra trên địa bàn. Tập trung đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động móc nối, lôi kéo của các tổ chức phản động, triệt phá các ổ nhóm tội phạm hoạt động côn đồ, bạo lực, tội phạm ma túy, đánh bạc công nghệ cao..., giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Thứ năm, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp, tạo sự chuyển biến tích cực.
Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trên cả 4 mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tạo sự chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được tăng cường: Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị (khóa XII) và các nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XXI). Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Chủ đề công tác năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với thực hiện cải cách hành chính trong toàn Đảng bộ; triển khai sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần ở tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Công tác tổ chức cán bộ được quan tâm, chỉ đạo; thực hiện kiện toàn, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý đảm bảo nguyên tắc, đúng quy trình, quy định. Xây dựng Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức khối Đảng, đoàn thể cấp tỉnh; chỉ đạo ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đảng viên được tặng Huy hiệu Đảng thuộc Đảng bộ tỉnh. Triển khai hiệu quả Đề án thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính ở thành phố Ninh Bình và huyện Yên Khánh. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chính sách cán bộ được quan tâm chỉ đạo.
Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định giúp các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Nhà nước. Công tác Dân vận của cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị có bước đổi mới về phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân. Công tác nội chính và phòng chống tham nhũng được tăng cường. Hiệu quả hoạt động của HĐND, công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của UBND các cấp được nâng lên. Hoạt động tiếp xúc cử tri có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị, chức năng, nhiệm vụ để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã thống nhất giang sơn, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ cho dân tộc. Đặc biệt, phấn khởi trước những kết quả quan trọng đạt được trong thời kỳ đổi mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra, phấn đấu xây dựng quê hương Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh./.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (Biên soạn)