Y tế tư nhân phát triển mạnh
Theo trục đường Hải Thượng Lãn Ông vào tới Bệnh viện đa khoa tỉnh, chúng tôi nhận thấy đây chính là địa bàn tập trung nhiều cơ sở y tế tư nhân loại "tầm cỡ" của tỉnh. Chỉ với khoảng vài trăm mét chiều dài đã có tới chục cơ sở, gồm cả phòng khám đa khoa và phòng khám chuyên khoa. Bên cạnh các phòng khám là các nhà thuốc, cửa hàng đại lý dược sẵn sàng đáp ứng yêu cầu người bệnh. Để thu hút sự chú ý của "khách hàng", hầu hết các cơ sở đều có biển hiệu lớn ghi rõ họ tên, bằng cấp của người phụ trách phòng khám. Nhiều cơ sở còn trương tấm biển lớn quảng cáo máy móc, thiết bị cùng với tính năng, tác dụng nhằm tăng tính cạnh tranh.
Những cái tên như An Lạc, Phúc An, An Sinh, Hợp Lực, Hồng Phát đã và đang trở thành địa chỉ tìm đến của nhiều người. Gặp chị N.T.T là giáo viên, trú tại phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) vừa bước ra từ phòng khám số 145, nghe tôi hỏi tại sao có thẻ BHYT mà lại đi khám dịch vụ, chị trả lời: Thời gian gần đây tôi thấy trong người có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, muốn đến đây khám xem có vấn đề gì về sức khỏe không, tuy phải chi phí cho công khám và một số xét nghiệm hết gần 200.000 đồng, nhưng lại tiết kiệm được thời gian, lại được bác sĩ khám, tư vấn chu đáo.
Kiểm tra sức khỏe bằng máy DDFAO-M30
tại phòng khám tư nhân An Lạc, Tp. Ninh Bình.
Không chỉ có chị N.T.T mà nhiều người là cán bộ công chức, có thẻ BHYT nhưng vẫn thường đến đây khám, tư vấn sức khỏe. Chị N.H.N (phường Phúc Thành) cho biết: Vào các phòng khám tư nhân khám vừa nhanh, vừa được đón tiếp niềm nở, chỉ khi thật cần thiết, bệnh nặng mới vào bệnh viện. Tuy nhiên qua khảo sát đối tượng đến khám nhiều nhất tại các phòng khám tư nhân vẫn là người làm nghề tự do, nông dân, bởi theo họ nếu vào bệnh viện khám thì cũng là khám dịch vụ, cho nên khám tư nhân cho tiện.
So với những năm trước, vài năm gần đây y tế tư nhân đã có bước phát triển mạnh. Những người có nghề, có nhu cầu mở phòng khám, có điều kiện về cơ sở vật chất đã được ngành Y tế cấp giấy phép hoạt động. Tại các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa đều do các bác sĩ có tên tuổi đứng tên. Cùng cộng tác là đội ngũ những thầy thuốc có kinh nghiệm, từng công tác hoặc đang làm việc tại các bệnh viện lớn, đi kèm đó là những y tá, hầu hết là trẻ tuổi, đóng vai trò là người giúp việc. Trung bình mỗi phòng khám có trên dưới 10 cán bộ y tế. Trang thiết bị chính là thế mạnh của y tế tư nhân. Nhiều cơ sở đã đầu tư hàng tỷ đồng mua máy móc hiện đại như máy siêu âm màu, nội soi ống mềm, máy xét nghiệm đa chỉ số... hỗ trợ tích cực cho quá trình khám, chẩn đoán được nhanh và chính xác.
Để y tế tư nhân phát huy được thế mạnh
Khuyến khích y tế tư nhân phát triển là một chủ trương đúng đắn, thể hiện quan điểm xã hội hóa hoạt động y tế của Đảng, Nhà nước ta. Tháng 7-2003, Nhà nước đã ban hành pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân mới, trong đó quy định những cá nhân muốn tham gia vào lĩnh vực y tế tư nhân cần đáp ứng đủ 2 điều kiện: Phải có chứng chỉ hành nghề (có bằng cấp chuyên môn, đủ điều kiện về tư cách pháp nhân, có sức khỏe, có thời gian thực hành...), đồng thời cơ sở đó phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người).
Theo ông Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình thì sự bung ra của y tế tư nhân đã giúp Nhà nước giảm gánh nặng chi phí trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Huy động được nguồn tài chính trong cộng đồng, đặc biệt là chất xám của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc đã nghỉ hưu. Nhờ có những thế mạnh về nhân lực, trang thiết bị, y tế tư nhân đã thu hút được một lượng bệnh nhân đáng kể, góp phần giảm quá tải trong các cơ sở y tế công lập, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế nhanh và thuận tiện.
Để y tế tư nhân phát triển đúng hướng, ngoài việc làm chặt khâu cấp phép hoạt động, hàng năm ngành Y tế đều tổ chức các đoàn đi kiểm tra thực tế, giúp các cơ sở nắm được chủ trương, chính sách phát triển y tế của Đảng, Nhà nước, uốn nắn kịp thời những vi phạm về chuyên môn. Tuy nhiên, y tế tư nhân hiện tại đang bộc lộ những hạn chế cần chấn chỉnh. Đó là tình trạng lạm dụng xét nghiệm cận lâm sàng trong quá trình khám bệnh, giá cả các dịch vụ thường cao hơn cơ sở khám bệnh của Nhà nước, 1 số cơ sở hành nghề còn vượt quá phạm vi cho phép về chuyên môn, nhiều phòng khám mới đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, buồng khám và phòng xét nghiệm còn chật chội. Thậm chí có những cơ sở không đăng ký hành nghề nhưng vẫn hoạt động dưới hình thức khám bệnh tại nhà, làm ngoài giờ, khi xảy ra "sự vụ" mới chịu làm thủ tục đăng ký hành nghề.
Cũng qua nắm bắt dư luận, chúng tôi được biết có những cơ sở thầy thuốc vừa chữa bệnh, vừa bán thuốc. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân không có sổ khám bệnh, theo dõi sức khỏe, thuốc uống cho bệnh nhân được gói thành liều và dặn miệng, không có kê đơn, chỉ định liều dùng..
Trước những bất cập đó, ngành Y tế và các cấp có thẩm quyền cần tăng cường phối hợp, làm tốt khâu tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cơ sở y tế tư nhân, giúp họ chấp hành tốt quy định của Nhà nước trong quá trình hành nghề. Tránh tình trạng nể nang, e dè trong xử lý vi phạm, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các loại hình y tế, đem đến cho người dân những dịch vụ tốt nhất, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa y tế của Đảng và Nhà nước.
Hà Trang