Với quan điểm gia đình là tế bào xã hội, mỗi tế bào khỏe mạnh là cả xã hội khỏe mạnh. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật quy định về Phòng và chống bạo hành gia đình ở Việt Nam. Ngày 6-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quy định 215/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020.
Ngày 26-11-2012, UBND tỉnh đã có Quyết định 947/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Ngày 3-11-2014, UBND tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch 72/KH-UBND về thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định đây là sự quan tâm, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mỗi thành viên trong gia đình, trong đó chủ yếu là đối tượng phụ nữ. Điều đó nói lên tính ưu việt, nhân văn của chế độ xã hội ta, đồng thời hướng tới một xã hội "Dân chủ, công bằng, văn minh".
Trong kế hoạch, UBND tỉnh xác định "Phải tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình".
Một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu là: Hàng năm, trong giai đoạn 2014-2015 và 2016-2020 trung bình giảm từ 5-7% hộ gia đình có bạo lực gia đình. Và phấn đấu đến năm 2020 có trên 95% số nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa bạo lực gia đình, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân. Đồng thời, có trên 90% số người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi và một số chỉ tiêu quan trọng khác...
Đây thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh để thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020. Để làm được điều này cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước hết, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về nhiệm vụ công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Coi đây là một mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của từng địa phương, của mỗi tổ chức, đơn vị. Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp.
Bên cạnh đó, hình thành đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên tình nguyện về phòng, chống bạo lực gia đình của từng cấp. Xây dựng mô hình điểm để rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình, xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình theo quy định pháp luật. Đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Biểu dương khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình...
Nguyễn Kim