Từ thời thanh niên ông đã tích cực tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng của thôn, xóm. Ông Ngọc được nhiều người yêu quý bởi có giọng hát hay và có thể hát được nhiều thể điệu từ hát chèo, xẩm, hát văn, hát cải lương... Ông cũng có thể đánh được trống chèo, sử dụng thuần thục một số nhạc cụ dân tộc.
Lúc còn trẻ, với năng khiếu văn nghệ của mình, ông Nguyễn Đức Ngọc từng tham gia thi tuyển và đã trúng tuyển vào Đoàn chèo Hà Nam Ninh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ông đã không tham gia hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp mà ở lại địa phương. Cũng từ đó ông tích cực hoạt động văn nghệ quần chúng.
Năm 1977, ông vào bộ đội và theo đơn vị đi nhiều nơi từ Buôn Mê Thuật, Nha Trang, Thái Nguyên... Với khả năng văn nghệ của mình, ông Ngọc thường được đơn vị cử đi tham gia các hoạt động văn nghệ, các hội diễn. Năm 1981, ông xuất ngũ về địa phương, tiếp tục tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Ông Nguyễn Đức Ngọc chia sẻ: Thực ra không phải ngẫu nhiên tôi có được khả năng ấy mà cái "gien văn nghệ" ấy tôi được thừa hưởng từ cụ thân sinh Nguyễn Đức Châu. Cha tôi lúc sinh thời hát hay có tiếng. Cụ mê chèo và thường tham gia chiếu chèo của làng Bạch Cừ vào các dịp lễ, Tết, vì vậy từ nhỏ tôi đã chịu ảnh hưởng từ cụ thân sinh. Thú nghe hát và mê hát đã ngấm vào tôi từ tấm bé và nó theo tôi đến tận ngày nay.
Hiện nay, ông Ngọc mưu sinh bằng nghề hát văn, chơi nhạc bát âm. Theo nhiều người dân xã Ninh Khang, ông Ngọc hát rất hay, là "linh hồn" của CLB nghệ thuật chèo làng Bạch Cừ. Ngôi nhà nhỏ của ông chính là nơi những người yêu văn nghệ của làng tụ họp để tập luyện các tiết mục văn nghệ.
Tuy công việc mưu sinh tất bật quanh năm, nhưng điểm đáng quý là ông Ngọc rất có ý thức trong việc gìn giữ vốn âm nhạc truyền thống. Vì vậy mà ông cũng là một trong số ít những người dân làng Bạch Cừ hát được nhiều những tích chèo cổ, những bài hát văn.
Ông từng tham gia nhiều kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng cấp huyện và tỉnh, biểu diễn tại Lễ hội sắc vàng Tam Cốc, biểu diễn khai trương phố đi bộ, biểu diễn chương trình văn nghệ tại Lễ hội Hoa Lư... Nhiều người hoạt động văn nghệ cùng thời chia sẻ, ông Ngọc được trời phú giọng hát rất hay nên khi đi hội diễn, liên hoan, phần nhiều đạt giải nhất, có khi là giải đặc biệt.
Có một kỷ niệm mà ông Ngọc không thể nào quên. Đó là trong kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng mà ông tham gia. Biểu diễn xong ở hội diễn là đã 11 giờ đêm, cả đội văn nghệ kéo về nhà ông nấu nướng ăn uống, nhưng sáng ngày hôm sau là ngày cưới của ông Ngọc. Thời những năm còn bao cấp, có khoảng thời gian dài ông Ngọc cùng với một số người bạn cùng làng chuyên phục vụ việc hát và cắt dán, kẻ vẽ ở các đám cưới khắp vùng thị xã Ninh Bình (cũ).
Hiện tại ông Ngọc đã ở ngưỡng tuổi "xưa nay hiếm", song tình yêu của ông với nghệ thuật truyền thống vẫn không luôn vẹn nguyên. Thỉnh thoảng ông vẫn hát ở các hội làng, ngày hội các khu dân cư trong xã. Ông Ngọc cũng có thể xem như là một trong số không nhiều người ở Hoa Lư theo nghề hát văn chuyên nghiệp. Tuổi càng cao, vốn hiểu biết về văn nghệ của ông càng phong phú, giọng ông vẫn giữ được sự nuột nà, trầm ấm, ngón trống hát văn của ông càng điêu luyện. Vào mùa hội, không mấy khi ông ở nhà, ông hiện "đắt sô" đối với các đám hát Văn và đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông.
Với hoạt động văn nghệ tại thôn Bạch Cừ, gia đình ông Ngọc đóng vai trò như người "giữ lửa" cho phong trào. Điều đáng quý là sự nỗ lực của ông Ngọc nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người yêu văn nghệ tại địa phương. Vì vậy trong hành trình nỗ lực bảo tồn nghệ thuật hát văn của ông, người nghệ sỹ dân gian này không hề đơn độc. Từ "ngọn lửa" đam mê nghệ thuật mà gia đình ông nhóm lên, đã góp phần lan tỏa tình yêu đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống đang cần được bảo tồn và phát triển.
Bài, ảnh: Phương Nam