Một ngày đầu tháng 11, trong không khí kỷ niệm 99 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/11/1917 - 7/11/2016), chúng tôi có dịp đến trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình và câu chuyện về đất nước Nga đã vô tình chạm đến miền ký ức hơn 34 năm trước của thầy giáo Nguyễn Văn Nhiu. Thầy Nhiu kể: Năm 1982, tôi là một giáo viên thực hành dạy lái máy ủi của trường Công nhân Cơ giới I (Bộ Thủy lợi). Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc lựa chọn các giáo viên trường nghề xuất sắc trong toàn quốc để cử đi đào tạo nâng cao trình độ tại Liên bang Xô Viết, tôi là người duy nhất của Trường được cử đi học. Trước khi đi, chúng tôi trải qua kỳ thi sát hạch tiếng Nga và thi toán, kết quả tôi đã may mắn được là 1 trong số 23 giáo viên dạy nghề trên toàn quốc được đi học tập tại Liên Xô. Đây là niềm vinh dự, tự hào và là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời tôi.
Trong 4 năm học tập tại Nga, thầy giáo Nguyễn Văn Nhiu và các lưu học sinh Việt Nam có 1 năm học tiếng Nga tại thành phố Cuốc - xcơ rồi sau đó ông được về học giáo viên dạy ngề tại thành phố Pin - xcơ (tỉnh Brest). Thầy giáo Nguyễn Văn Nhiu nhớ lại: Thời đó, nước Nga có rất nhiều sinh viên của các nước trên thế giới đến học tập, nhưng những sinh viên Việt Nam bao giờ cũng được yêu mến hơn cả. Tôi còn nhớ, trong khu ký túc xá có cả các bạn sinh viên Lào, Campuchia nhưng ở đó các giáo viên luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới sinh viên Việt. Cô giáo Raixa-ivanốpna phụ trách 7 sinh viên Việt Nam và bà luôn gọi chúng tôi là con. Từ đó, chúng tôi cũng gọi bà là mẹ của sinh viên Việt Nam. Cô giáo rất đôn hậu. Ngoài việc tận tình truyền đạt các kiến thức trên lớp, cô còn giúp đỡ, chỉ bảo chúng tôi từ rèn tác phong, uốn nắn ngôn ngữ đến việc làm cách nào để vượt qua những khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt và đặc biệt là cách để vượt qua mùa đông giá lạnh của Nga...
Không chỉ các giáo viên Nga mà nhân dân Nga cũng rất yêu mến các sinh viên Việt Nam. Đi đến đâu, các lưu học sinh Việt Nam cũng được tiếp đón niềm nở, kính trọng. Thầy giáo Nguyễn Văn Nhiu bồi hồi, kể: Để giúp sinh viên Việt Nam cũng như sinh viên các nước hiểu hơn về đất nước Nga, hàng năm nhà trường đều tổ chức cho các sinh viên đi giao lưu với các trường dạy nghề và một số Nông trang trong Liên bang. Mỗi lần chúng tôi đến, khi được giới thiệu về sự có mặt của các sinh viên Việt Nam thì cả hội trường vỡ òa trong những tiếng pháo tay không ngớt. Bởi họ luôn cảm phục về tinh thần và ý chí đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Chính điều này đã thực sự gây xúc động đối với tôi cũng như các sinh viên Việt Nam. Chúng tôi luôn tự nhủ, phải thực sự cố gắng, rèn luyện, tiếp thu tối đa những tri thức và văn minh Nga để không chỉ là một cách đáp lại tình cảm mà những người thầy, những người bạn Nga đã dành cho mình mà đó còn là cách để thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc.
Trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Văn Nhiu, điều chúng tôi cảm nhận rõ đó là cho dù thời gian có qua đi nhưng tình yêu của ông với nước Nga, với những người Nga thì vẫn mãi vẹn nguyên. Ông bảo: cũng như nhiều lưu học sinh thời đó, khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, từ trên cao chúng tôi đã nhìn thấy Thủ đô Mát- xcơ- va đẹp lộng lẫy và rộng mênh mông không tưởng. Điều đó làm chúng tôi thực sự bị choáng ngợp. Có lẽ, đối với ai đã từng sống, học tập ở Liên Bang xô Viết thì đều lắng đọng trước thiên nhiên tươi đẹp của xứ sở bạch dương. "Nước Nga 4 mùa đều đẹp, nhưng với tôi mùa đông và mùa thu là đẹp nhất. Mùa thu, bầu trời Nga trong xanh và đậm sắc vàng rực rỡ của sắc lá phong, những hàng cây bạch dương... đẹp đến nao lòng. Còn khi mùa đông tới, ngắm những bông tuyết nhẹ bay qua cửa sổ... tâm hồn của những người con xa quê cũng trở nên nhẹ nhàng, khoáng đạt và ấm áp"...
Lưu học sinh Việt Nam thời đó không chỉ được học tiếng Nga, công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến mà còn được tạo điều kiện cho hưởng chế độ học bổng để đáp ứng nhu cầu cuộc sống và yên tâm học tập. Khi các sinh viên đi thực tập tại các nông trang đều được hưởng lương như công nhân, chính vì vậy nhiều người tiết kiệm được khoản tiền nho nhỏ mua một số đồ dùng của Nga về làm quà. "Tôi cũng mua được chiếc bàn là, chậu nhôm và một chiếc xe Min-khơ" - thầy giáo Nhiu cười nhớ lại.
Một điều đặc biệt khi tiếp xúc với thầy giáo Nguyễn Văn Nhiu, đó là ở ông luôn toát lên một phong thái điềm tĩnh, cẩn trọng, nghiêm khắc nhưng cũng rất đỗi thân thiện. Trần Minh Tuấn, sinh viên trường Cơ giới Ninh Bình cho biết: Em cũng như nhiều sinh viên trong trường đều rất cảm phục trước tài năng và phong cách của thầy Hiệu phó Nguyễn Văn Nhiu. Thầy rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân từ với sinh viên. Thầy bảo, đó là do thầy học tập được từ những người bạn Nga. Thầy cũng hay kể cho các sinh viên trong trường về đất nước và nền văn minh Nga trong phát triển công nghệ cơ giới...
Sau 4 năm học tập ở Liên bang Xô Viết, thầy giáo Nguyễn Văn Nhiu trở về trường Công nhân cơ giới I để đem tất cả những tri thức mà mình đã thu nhận được truyền đạt cho học sinh, sinh viên. Ông gắn bó với ngôi trường này đến nay gần 40 năm và đã trải qua nhiều cương vị công tác. Từng là Bí thư Đoàn trường, Trưởng ban Nghề và nay là Phó bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng nhà trường, trên cương vị nào ông cũng nỗ lực và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông đã cùng với tập thể Ban giám hiệu, các thế hệ thầy cô giáo và các học sinh xây dựng trường Công nhân cơ giới I và nay là trường cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình từng bước trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; có khả năng hội nhập khu vực và quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Nông nghiệp và PTNT.
"Được sống và học tập ở đất nước Nga là những trải nghiệm vô cùng quý giá. Đó chính là hành trang để những lưu học sinh như tôi tiếp tục gây dựng sự nghiệp, đóng góp công sức nhỏ bé của mình xây dựng trường học, quê hương…"- Thầy giáo Nguyễn Văn Nhiu chia sẻ.
Cũng theo thầy giáo Nguyễn Văn Nhiu: Từ khi về nước, ông chưa một lần được trở lại nước Nga, nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng ông vẫn luôn cập nhật tình hình của đất nước xứ sở bạch dương và luôn đau đáu một dự định sẽ trở lại nước Nga để gặp gỡ và tri ân những người thầy, những người bạn Nga đôn hậu. Hiện nay, thầy giáo Nguyễn Văn Nhiu cũng tích cực tham gia các hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga và cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) tỉnh Ninh Bình, với mong muốn cùng nhân dân cả nước, nhân dân cả tỉnh nỗ lực hết mình để tăng cường phát triển và giữ gìn mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, thủy chung, mẫu mực giữa hai dân tộc Việt - Nga...
Mai Lan