P.V: Xin đồng chí đánh giá những nét cơ bản về tình hình sản xuất công nghiệp trong tỉnh 6 tháng đầu năm nay?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuy nhiên dịch bệnh đã nhanh chóng được khống chế trên phạm vi toàn quốc. Sau thời gian thực hiện giãn cách theo quy định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở lại trạng thái bình thường mới, đảm bảo vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa phòng, chống dịch COVID-19.
Song, trên địa bàn toàn tỉnh theo thống kê có 546 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn trong sản xuất do không có nguyên liệu sản xuất và gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, thiếu chuyên gia nước ngoài, lao động làm việc luân phiên. Kéo theo đó là trên 20 nghìn lao động trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, có 5.287 lao động bị chấm dứt hợp đồng, 9.286 lao động phải ngừng việc, 14.522 lao động bị ảnh hưởng như làm việc cầm chừng, làm không đủ công...
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và Chương trình công tác của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở đã ban hành Chương trình công tác của ngành tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ trong tâm về phát triển công nghiệp và thương mại, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Do đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì mức tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 36.700 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ, đạt 45,4% kế hoạch.
Các sản phẩm công nghiệp 6 tháng đầu năm có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước gồm: dứa đóng hộp 3.502 tấn, gấp 2,1 lần; nước dứa tươi: 1.142 nghìn lít, tăng 52,1%; giày dép các loại 17.378 nghìn đôi, tăng 18,2%; kính xây dựng 229,8 nghìn tấn, tăng 32,7%; thép cán đạt 146,9 nghìn tấn, tăng 3,8%; cần gạt nước ô tô 3,3 triệu cái, tăng 16,8%; điện sản xuất 451,2 triệu Kwh, tăng 10,1%...
Bên cạnh đó, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút là: ô tô 28,7 nghìn chiếc, giảm 9,5%; modul camera đạt 71,8 triệu sản phẩm, giảm 16,2%, linh kiện điện tử 89,3 triệu sản phẩm, giảm 27,0%; tai nghe điện thoại di động 7,4 triệu cái; giảm 15,3%; quần áo các loại gần 37,1 triệu cái, giảm 23,8%; đạm urê 201,7 nghìn tấn, giảm 18,9%; hàng thêu 563,9 nghìn m2; giảm 23,1%...
P.V: Thưa đồng chí, trước khó khăn hiện tại, ngành Công thương đã thay đổi kịch bản tăng trưởng đối với lĩnh vực công nghiệp như thế nào để phù hợp với tình hình mới?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: Tình hình dịch bệnh COVID-19 mặc dù đã được khống chế tại Việt Nam nhưng trên thế giới vẫn có diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ. Chính vì thế, việc phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp và sản lượng của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của năm 2020 khó thực hiện theo đúng kịch bản ban đầu. Do vậy một số ngành kinh tế buộc phải thực hiện điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng của năm 2020.
Đối với ngành Công nghiệp, mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt kịch bản tăng trưởng đã đề ra là đạt 36.700 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ, đạt 45,4% kế hoạch theo đúng kịch bản tăng trưởng nhưng nếu xét tình hình thực tế hiện tại của các doanh nghiệp cũng như "sức khỏe" của nền kinh tế thế giới nói chung, trong nước nói riêng thì việc để mục tiêu tăng trưởng ban đầu là giá trị sản xuất công nghiệp đạt 80.814 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2019 sẽ khó thực hiện.
Do đó, Sở Công Thương đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 để phù hợp với tình hình mới hiện nay. Cụ thể, mục tiêu năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 75.380 tỷ đồng, tăng 4,9% so với thực hiện năm 2019, giảm 6,7 % so với kế hoạch. Sở Công Thương xác định mặc dù có điều chỉnh một số mục tiêu tăng trưởng của ngành song vẫn phải đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2016-2020 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra.
P.V: Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 đối với lĩnh vực công nghiệp, ngành Công thương đã đề ra những giải pháp gì thưa đồng chí?
Đ/c Hoàng Trung Kiên: Để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, ngành Công thương sẽ chủ động phối hợp với các ngành, bám sát những chính sách mới, hệ thống hóa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp tận dụng kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn để giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/BCS ngày 13/02/2017 của Ban cán sự Đảng UBND về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh; Chương trình khuyến công quốc gia, địa phương, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2020,...
Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh có các chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất quán trong việc quản lý thực hiện đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn và phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, phân bón…và phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với du lịch, xây dựng nông thôn.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm
(thực hiện)